- Mùa đông nhiệt độ xuống thấp khiến chúng ta có thể bị hạ thân nhiệt. Điều này có thể xảy ra với tất cả mọi người nhưng nguy hiểm hơn cả là trẻ em và người già. Khi giảm thân nhiệt, tổn thương nhiều cơ quan, nguy cơ dẫn đến tử vong.
Hạ thân nhiệt xảy ra khi thời tiết trở lạnh đột ngột, với mức độ lạnh rất sâu trong mùa đông khắc nghiệt. Vì vậy, việc hiểu biết về vấn đề này là vô cùng quan trọng.
Ảnh minh họa |
Đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt
Nhiệt độ cơ thể của một người bình thường dao động từ 36,5 độ đến 37,5 độ C. Khi nhiệt độ cơ thể xuống dưới 35 độ C là người đó đang bị hạ thân nhiệt. Nếu không được sơ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân dễ tử vong.
Trên thực tế vào mùa lạnh, người già có bệnh lý nền dễ nhiễm lạnh dẫn đến hạ thân nhiệt như các bệnh lý toàn thân, bệnh thần kinh hay thiểu năng giáp ức chế trung tâm điều hòa nhiệt độ.
Các triệu chứng phụ thuộc vào nhiệt độ, nhẹ thì run rẩy và rối loạn tâm thần, vừa thì lú lẫn và nghiêm trọng, có thể tăng nguy cơ ngừng tim.
Hạ thân nhiệt trung bình hay nặng thường xảy ra ở nhiệt độ dưới 32,2 độ C. Khi nhiệt độ dưới bình thường, cơ thể không còn khả năng sinh đủ nhiệt để hoạt động hiệu quả.
Ở người cao tuổi, khả năng kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bị giảm đi so với người trẻ tuổi. Ngoài ra còn lý do dinh dưỡng kém, có bệnh lý nền mạn tính và dùng nhiều loại thuốc nên dễ bị tổn thương khi trời lạnh. Cũng có trường hợp do uống quá ít nước và dễ mất nước, mặc không đủ ấm.
Ở trẻ em, thường là trẻ sơ sinh, đẻ non, còn đối tượng người cao tuổi bị bệnh như viêm phổi, suy thận, bệnh tim mạch không ổn định là nhóm có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao hơn. Người dùng ma túy hay uống rượu, chấn thương không chăm sóc thích hợp cũng dễ bị hạ thân nhiệt.
Riêng nhóm cao niên do sức khỏe kém nên cơ thể ít đáp ứng với những thay đổi nhiệt độ ở da và trung tâm, dẫn đến phản ứng run lạnh được bắt đầu ở một nhiệt độ thấp hơn. Run lạnh nơi người già là do không phát sinh lượng nhiệt bình thường làm cho sự mất nhiệt xảy ra nhanh hơn. Ngoài ra, tốc độ chuyển hóa cũng chậm hơn nên nhiệt bị tổn thất cao hơn và cuối cùng dẫn đến dễ mắc bệnh hơn.
Biểu hiện hạ thân nhiệt
Khi bị hạ thân nhiệt sẽ có biểu hiện rét run lúc đầu, nhưng chấm dứt ở dưới mức 31°C, cho phép nhiệt độ cơ thể giảm nhanh hơn.
Ở người lớn khi bị hạ thân nhiệt sẽ có biểu hiện run, kiệt sức, lẫn lộn, lóng ngóng tay chân. Mất trí nhớ, nói lắp bắp, không rõ ràng. Buồn ngủ, da tái, sờ lạnh, mất phương hướng… Ở trẻ nhỏ khi hạ thân nhiệt có biểu hiện da có màu đỏ tươi, lạnh hoặc nhợt nhạt, lạnh toàn thân, phù cứng bì vùng lưng, chi; thở nhanh nông giai đoạn đầu, sau thở không đều, ngừng thở; nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; ít cử động, lơ mơ, khóc yếu, bú kém; có thể kèm hạ đường máu.
Nhiệt độ môi trường xuống thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người già và trẻ nhỏ. Do không có lượng mỡ cơ thể cần thiết để giữ ấm nên dễ bị hạ thân nhiệt.
Phòng hạ thân nhiệt mùa đông
Về phòng ngừa cần sưởi ấm thích hợp và tránh tiếp xúc với lạnh. Duy trì nhiệt độ phòng ở mức 24 độ C. Nên lắp nhiệt kế phòng, dùng hệ thống sưởi có hiệu quả, khép kín các cửa nhà. Cần đi tất chân, mặc quần áo ấm, có khăn, mũ len đủ ấm.
Nghiêm cấm sử dụng máy sưởi chạy bằng dầu hỏa, đốt than vì tạo ra nhiều khí carbon monoxide (CO) gây nguy hiểm. Ngoài ra cũng nên mặc quần áo đủ ấm và thoải mái để tránh mất nhiệt, nhưng không gây khó khăn trong sinh hoạt.
Ngoài mặc đủ ấm, cần ăn uống đầy đủ vào buổi sáng, không nên bỏ bữa sáng. Cha mẹ chú ý cho trẻ ăn đúng giờ, đủ bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng; đặt giường của trẻ ở nơi ấm, không có gió lùa và trẻ cần được mặc ấm; đảm bảo giữ ấm cho trẻ sau khi tắm, hoặc trong quá trình thăm khám.
Thay tã, quần áo, giường ướt để giữ trẻ và giường luôn khô ráo. Đối với trẻ sơ sinh, có thể sử dụng phương pháp kangaroo, hay còn gọi là phương pháp ủ ấm da kề da. Lau khô trẻ sau khi tắm.
Người già, trẻ em nên uống đủ lượng nước trong mùa đông, uống 6-8 ly nước ấm một ngày, ngay cả khi không cảm thấy khát nước. Tránh đồ uống có cồn, caffeine, ăn nhiều bữa trong ngày. Chủ động vận động thích hợp để tăng lưu lượng máu và tăng nhiệt độ cơ thể, kể cả hoạt động trong phòng.
Trường hợp người cao tuổi sống một mình thì nên tự chăm sóc cho bản thân như ăn uống đầy đủ, mặc ấm. Nên giữ liên lạc thường xuyên với gia đình, bạn bè, hàng xóm. Nếu sống một mình cần đăng ký quản lý người cao tuổi để khi cần có thể được theo dõi thường xuyên nhất là khi trái gió trở giời, thời tiết lạnh.