- Trong những ngày giá rét, bác sĩ hướng dẫn cách dự phòng, nhận biết và xử trí bệnh đột quỵ, nhất là với người già.
Thời tiết miền Bắc đang trong những ngày giá rét, người già rất dễ bị ảnh hưởng sức khỏe, nhất là nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra.
Về ảnh hưởng của trời lạnh dễ gây ra đột quỵ, TS.BS Mai Đức Thảo, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị giải thích: “Khi trời lạnh, nhiệt độ môi trường giảm sâu, sẽ có hiện tượng co mạch, giữ ấm cho cơ thể làm cho huyết áp tăng lên. Nhất là với người già, khi chuyển môi trường đột ngột từ nơi ấm sang nơi lạnh dễ làm tăng huyết áp khiến nguy cơ đột quỵ tăng lên. Nhất là với những người có sẵn bệnh nền tăng huyết áp, béo phì, rối loạn chuyển hóa không có sự kiểm soát, phòng chống, nguy cơ đột quỵ sẽ càng cao hơn”.
Theo đó, trong thời tiết lạnh, với những người có sẵn bệnh về huyết áp, cần tuân thủ sử dụng thuốc điều trị, sử dụng đúng và theo dõi chặt huyết áp của mình. Người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như: Rượu bia, cà phê, thuốc lá, các đồ cay nóng… dễ làm kích thích tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, dù ngày lạnh, người già cũng vẫn cần vận động theo hướng vận động vừa đủ, vừa tập vừa lắng nghe cơ thể. Nhất là vào buổi sáng, khi thức dậy, người già không nên ra khỏi giường ấm ngay, mà cần nằm tại chỗ xoa chân, tay làm ấm cơ thể, bỏ chăn, mở cửa dần dần để làm quen với không khí bên ngoài trước khi ra khỏi phòng, đi tập thể dục. Người già cần khoảng thời gian vừa đủ, hợp lý để tập thể dục, thường là khoảng 20 - 30 phút với các bài tập phù hợp. Người gia cần hạn chế ra ngoài khi trời lạnh, nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần có mũ, áo đảm bảo đủ ấm cho cơ thể.
TS.BS Mai Đức Thảo cũng hướng dẫn các dấu hiệu để nhận biết đột quỵ não (viết tắt là BE FAST), khi người dân thấy có những dấu hiệu sau cần được xử trí và đưa đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể:
B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
E (EYESIGHT): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.