- Dự án Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn 2 (HPMI 2) đã tạo điều kiện loại trừ bềnh vững HCFC, đáp ứng cam kết loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở của Việt Nam, tương đương 1.000 tấn HCFC...
Chiều 18/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn 2 (HPMI 2).
Dự án do Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal tài trợ, ủy thác Ngân hàng Thế giới quản lý. Mục tiêu nhằm giúp Việt Nam giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất gây suy giảm tầng ô-dôn HCFC, từ 3.600 tấn/năm xuống còn 2.600 tấn/năm trong giai đoạn 2020 – 2024 theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, Dự án đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, đóng góp cho công tác bảo vệ tầng ô-dôn ở Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.
Cục trưởng Tăng Thế Cường: Dự án đã đáp ứng cam kết loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở của Việt Nam, tương đương 1.000 tấn HCFC theo Nghị định thư Montreal. |
Theo đó, cùng với biện pháp chính sách quản lý hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC, Dự án đã hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh chuyển đổi công nghệ, tăng cường năng lực cho lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí loại trừ HCFC-22, tạo điều kiện loại trừ bềnh vững HCFC, đáp ứng cam kết loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở của Việt Nam, tương đương 1.000 tấn HCFC theo Nghị định thư Montreal.
Về loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt, Dự án đã hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ sử dụng cyclo pentane. Từ ngày 7/1/2023, Việt Nam đã quy định cấm nhập khẩu HCFC-141b trộn sẵn trong polyol.
Cùng với hoàn thành nghĩa vụ giảm 35% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC trong giai đoạn 2020-2024, với mức nhập khẩu dưới 2.600 tấn/năm, Việt Nam đã giảm lượng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng các công nghệ thay thế không có tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn và tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, thân thiện hơn với môi trường và có hiệu suất năng lượng cao hơn công nghệ cũ. Dự án hỗ trợ giảm 1,4 triệu tấn Co2 tương đương hàng năm.
Dự án cũng phối hợp triển khai tập huấn cho 350 cán bộ hải quan về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất được kiểm soát; đào tạo cho 188 giảng viên nguồn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hơn 3.200 kỹ thuật viên về quản lý rò rỉ và nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Bên cạnh đó, cung cấp 110 bộ thiết bị giảng dạy và 300 bộ thiết bị sửa chữa cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí trên cả nước…
Ông Ahmed Eiweida, Trưởng Ban phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian qua. Dự án đã giúp nâng cao năng lực cho các bên liên quan, đồng thời, để lại nhiều bài học thực tiễn quan trọng đóng góp cho lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn HCFC, các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao HFC trong thời gian tới.