Thủ tướng: Ngành tài nguyên và Môi trường cần thúc đẩy chuyển đổi số

0
0

 - Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thông qua việc tiếp tục xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực TN&MT, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sáng 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường do Bộ TN&MT tổ chức.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong năm 2023, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân đánh giá cao.

Nổi bật là, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được quan tâm, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống. Kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thiết lập sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực tài nguyên và tham gia bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở tổng kết thi hành pháp luật, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung cao độ xây dựng, hoàn thiện các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Địa chất và Khoáng sản. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất. Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm trình Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024.

Bộ tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với đa dạng phương thức lấy ý kiến, tuyên truyền các điểm mới, thay đổi lớn trong dự thảo Luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Đây thực sự trở thành sự kiện sinh hoạt chính trị sôi nổi với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý.

Ngoài ra, với tinh thần cầu thị, luôn hướng về địa phương, cơ sở, Bộ đã chủ động cùng với các địa phương nắm bắt các vướng mắc trong thi hành pháp luật đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành các văn bản để tháo gỡ. Chỉ đạo xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành để bảo đảm hiệu lực thi hành đồng bộ, thống nhất với thời hiệu của Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sau khi được ban hành.

Đối với công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ tập trung xây dựng, hoàn thành 8/8 quy hoạch cấp quốc gia, 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong đó, lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta (Quy hoạch đang được trình các cấp có thẩm quyền).

Bộ, ngành chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước.

Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.

Chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành tài nguyên và môi trường được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ, ngành chủ động dự báo sớm, đủ độ chi tiết, tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, bão, lũ trên các sông và các hình thái thời tiết cực đoan, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy nguồn lực TN&MT vì một tương lai bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại Hôi nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 mà ngành TN&MT đã xác định, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

 

Trước hết, cần quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH năm 2024.

Coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, đặc biệt là xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên…, xem đây là yếu tố quyết định để phát triển ngành, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội; bảo vệ môi trường sống, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất; tổ chức triển khai thi hành Luật ngay sau khi được thông qua, cùng với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, tổ chức xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong năm 2024; tiếp tục rà soát tháo gỡ các vướng mắc ở các văn bản dưới Luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; đồng thời phân cấp, ủy quyền tối đa, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm. Tuy nhiên, phải bảo đảm phân cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát việc thực thi, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng lấy ví dụ, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rất rườm rà, 10 ha lúa, 20 ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển. Thủ tướng cho rằng cần phân cấp cho địa phương quyết định vấn đề này.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên của đất nước. Tiếp tục tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Triển khai tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước.

Triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác về hỗ trợ cho chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái và triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong đó cần có các dự án, chương trình cụ thể, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ này.

Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục hiện đại hóa, tăng dày mạng lưới khí tượng thủy văn, trạm ra đa, mạng lưới quan trắc, nâng cao chất lượng dự báo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành TN&MT phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, địa phương, cơ quan, cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau và ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thông qua việc tiếp tục xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực TN&MT vì một tương lai bền vững, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.