- Trong chương trình khám, điều trị và phẫu thuật miễn phí dành cho người bệnh mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác tại Bệnh viện E, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo hình vành tai cho các bé mắc dị tật bẩm sinh vùng tai từ khi còn rất nhỏ.
Từ ngày 11/12/2023 – 15/12/2023, Bệnh viện E phối hợp với Tổ chức Operation Smile tổ chức chương trình khám, điều trị và phẫu thuật miễn phí dành cho người bệnh mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác tại Bệnh viện E.
Theo TS.BSNT Nguyễn Tấn Văn – Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện E; kiêm Chủ nhiệm bộ môn Bệnh lý miệng và hàm mặt– Trường Đại học Y dược – ĐHQG Hà Nội, đây là chương trình khám và điều trị, phẫu thuật miễn dành cho người bệnh mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác lần thứ 5 được tổ chức tại Bệnh viện E.
Đối tượng được khám và tư vấn lần này gồm bệnh nhân dị tật bẩm sinh khe hở môi – hàm ếch chưa được phẫu thuật. Trẻ bị khe hở môi phải phải được ít nhất 6 tháng tuổi, nặng từ 8kg trở lên; trẻ bị khe hở hàm ếch phải được ít nhất 12 tháng tuổi, nặng từ 10 - 12kg trở lên; Bệnh nhân di chứng dị tật bẩm sinh khe hở môi hàm ếch các độ tuổi (sẹo môi, lỗ thông vòm miệng, dị tật mũi, khe hở cung răng); Bệnh nhân thừa ngón (tay, chân) (không phải dị tật vận động, dị tật bàn chân khoèo…); Bệnh nhân bị dị tật sụp mí mắt bẩm sinh (không phải bệnh lý nhãn khoa) trên 5 tuổi… được Bệnh viện E tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ tham gia phẫu thuật trong chương trình này.
Trẻ được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu và hỗ trợ một phần chi phí ăn ở trong thời gian điều trị tại Bệnh viện E.
BS Nguyễn Tấn Văn khám cho bệnh nhi bị dị tật khe hở môi - vòm miệng |
Tạo hình tai bằng vật liệu tự thân với ưu điểm vượt trội
Đặc biệt năm nay, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo hình vành tai cho các bé mắc dị tật bẩm sinh vùng tai từ khi còn rất nhỏ.
Điển hình như bé N.T.D (12 tuổi, ở Phú Thọ) bị đa dị tật vùng sọ mặt, đã phẫu thuật rất nhiều lần. Hiện tại, bé còn biến dạng vùng sọ mặt và vành tai nhỏ.
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung - Bộ môn Phẫu thuật Miệng Hàm Mặt - Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện E, khám và tư vấn phẫu thuật cho bé. Xác định tình trạng bệnh của bé là trường hợp khó, với dị tật sọ mặt rất phức tạp, BS Nhung đã tiến hành hội chẩn với BS Nguyễn Tấn Văn và BS Vũ Xuân Quang – Phó khoa Gây mê hồi sức tích cực, Bệnh viện E và lên kế hoạch tạo hình vành tai cho bé bằng vật liệu tự thân.
Hay như trường hợp bé H.B.Tr (2 tuổi, ở TP Cao Bằng) bị khe hở sọ mặt hiếm Tessier, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và mô trên mặt, gây biến dạng nặng vùng sọ mặt, sụn thừa nắp tai…, được TS.BS Nguyễn Hồng Nhung khám và tư vấn tạo hình mi trên và góc mép mắt bên phải cho bệnh nhi và cắt sụn thừa vành tai…
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung cùng các bác sĩ của bệnh viện E sẽ lên kế hoạch tạo hình vành tai cho bé bằng vật liệu tự thân |
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ thêm, có nhiều trẻ sinh ra không có vành tai, vành tai bị dị tật, ảnh hưởng tới khả năng nghe, khiến nhiều trẻ vô cùng tự ti, mặc cảm. Phẫu thuật tạo hình vành tai là một trong những phương pháp phẫu thuật tương đối phức tạp, đảm bảo chức năng nghe cho tai mà còn giúp tạo hình dáng để đôi tai trở nên thật tự nhiên, kết cấu của tai đẹp, đều và thẩm mỹ hơn.
Hiện có 2 phương pháp thực hiện, trong đó có phương pháp sử dụng vật liệu thay thế như vành tai giả được tạo hình hoàn toàn bằng silicon và gắn vào bên tai bằng keo dán hoặc bằng kỹ thuật cấy ghép. Hoặc sử dụng khung vành tai nhân tạo thay thế khung sụn vành tai, được bao lại bằng vạt cân-cơ thái dương và ngoài cùng phủ mảnh da ghép với chi phí tương đối cao nên đối với những trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì các bác sĩ ít lựa chọn phương pháp này.
Các bác sĩ sẽ ưu tiên lựa chọn phương pháp tạo hình tai bằng vật liệu tự thân với ưu điểm vượt trội như chất liệu tạo hình phù hợp của chính cơ thể, ít nguy cơ nhiễm trùng và thải ghép. Bệnh nhân được kiểm tra thính lực và cấu trúc tai ngoài, tai giữa nhằm đánh giá chính xác toàn bộ các dị tật. Quá trình tạo hình được chia làm 2 thì mổ, cách nhau 3 - 6 tháng…
Ngay từ sáng sớm ngày 11/12/2023, đã có hơn 50 trẻ mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác đến từ Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Hà Giang, Bắc Giang, Hà Nội… được các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc các chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện E: Răng hàm mặt, Gây mê hồi sức, Nội Nhi tổng hợp, Tai mũi họng, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Sức khỏe tâm thần, Phục hồi chức năng… thăm khám và tư vấn phẫu thuật.
Hiện Bệnh viện E là cơ sở y tế tuyến cuối thực hiện được các kỹ thuật khó và chuyên sâu cùng với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại với hệ thống phòng mổ, máy gây mê, hồi sức, chăm sóc hậu phẫu… sẽ đáp ứng và đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các trẻ em không may mắc các dị tật về hàm mặt có cơ hội được phẫu thuật, trả lại nụ cười, đem đến một tương lai rộng mở, hoà nhập cộng đồng cho các em.
Tại buổi khám sàng lọc, rất nhiều trẻ đến tái khám sau khi đã được phẫu thuật từ các lần trước đó tại Bệnh viện E. Hành trình tìm lại nụ cười cho trẻ mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác là một quá trình lâu dài mà các bác sĩ Bệnh viện E luôn đồng hành cùng người bệnh theo suốt năm tháng cuộc đời họ.
Tiến tới, Bệnh viện E xây dựng điều trị toàn diện cho bệnh nhân khe hở môi và vòm miệng toàn diện với 8 bước: Khi trẻ sinh ra, nếu không may bị mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng sẽ được các bác sĩ dùng khí cụ định hướng khe hở môi, cung hàm, mũi nhằm phát triển theo định hướng bình thường để đến khi phải phẫu thuật sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn; Đóng khe hở môi; Đóng khe hở vòm miệng. Khi trẻ đến 9-10 tuổi sẽ tiến hành khép xương khe hở cung hàm; Chỉnh nha (răng); Sửa sẹo môi mũi; Phẫu thuật chỉnh hình xương hàm, mặt.
Đặc biệt, trong suốt quá trình trẻ được phẫu thuật và lớn lên sẽ được điều trị nha khoa và ngữ âm để trả lại nụ cười hạnh phúc cho trẻ em và giọng nói trong trẻo, tròn vành rõ tiếng nhất, giúp các bé hòa nhập với cuộc sống dễ dàng. Phẫu thuật thành công sẽ giúp các bé thoát khỏi những khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, mang lại sự tự tin, hàn gắn những tổn thương về thể chất và tinh thần cho các bé.