- Theo Dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng, năm 2024, Thành phố tập trung phát triển 3 trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, trong đó đặt ra 10 nhiệm vụ cụ thể xoay quanh: Nhận thức số; thể chế số; hạ tầng số; dữ liệu số; nền tảng số; nhân lực số; an toàn thông tin mạng; chính quyền số; kinh tế số và xã hội số.
UBND thành phố Hải Phòng hôm 26/12 đã phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam VINASA (VINASA) tổ chức Phiên Tham vấn Chiến lược Chuyển đổi số và Dữ liệu số thành phố Hải Phòng.
Phiên tham vấn này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2023 với chủ đề "Kiến tạo dữ liệu số - Nền tảng phát triển kinh tế, xã hội".
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Minh Cường cho biết, đối với lĩnh vực Chuyển đổi số, năm vừa qua, thành phố tiếp tục phát triển các hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin thế hệ mới đưa vào phục vụ sản xuất công nghiệp; đặc biệt bứt phá với trên 1.700 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên các nền tảng mạng xã hội có tỷ lệ người dân sử dụng là 90,4%; cùng với đó, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên các dịch vụ công cũng tăng trưởng đạt gần 48%.
Ngoài ra, công cuộc số hoá dữ liệu trên các lĩnh vực như Giáo dục - Đào tạo; Tài nguyên môi trường; Giao thông vận tải... cũng đạt được những kết quả tích cực. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình thực hiện Chuyển đổi số của thành phố như thể chế, quy định pháp lý, khả năng đồng bộ, cách thức khai thác dữ liệu hiệu quả… qua đó bày tỏ mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nhân doanh nghiệp công nghệ lớn để giúp thành phố chuẩn hoá các ý tưởng phục vụ ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2024 trên tinh thần phát huy những kết quả tốt đẹp đã đạt được và thúc đẩy sâu rộng, hiệu quả thiết thực hơn nữa Chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA nhận định, công tác Chuyển đổi số của Hải Phòng đã đạt được bước tiến đáng ghi nhận, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số; đồng thời cho rằng, thành phố cần tạo đột phá trong xây dựng môi trường pháp lý, cơ chế hợp tác triển khai; sự quyết tâm mạnh mẽ của các sở, ban, ngành và tinh thần sáng tạo, năng động của các doanh nghiệp trên địa bàn để thúc đẩy Chuyển đổi số phát triển hơn nữa...
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA bày tỏ, VINASA và các doanh nghiệp công nghệ số cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các hoạt động Chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng |
Theo Dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2024 tập trung phát triển 3 trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, trong đó đặt ra 10 nhiệm vụ cụ thể xoay quanh: Nhận thức số; thể chế số; hạ tầng số; dữ liệu số; nền tảng số; nhân lực số; an toàn thông tin mạng; chính quyền số; kinh tế số và xã hội số.
Từ đó đề ra 5 giải pháp cơ bản, gồm: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Thu hút nguồn lực CNTT đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong thời gian tới.
Tại buổi toạ đàm, trực tiếp các chuyên gia trong lĩnh vực Chuyển đổi số và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ lớn đóng góp ý kiến vào Kế hoạch Chuyển đổi số Hải Phòng năm 2024 cùng một số nội dung như: Nâng cao chỉ số DTI; khung kiến trúc và khai thác dữ liệu số; các biện pháp phát triển kinh tế số - xã hội số; phát triển công nghiệp công nghệ cao và xây dựng Smart City Hải Phòng...