- Tại Dự thảo lần 3 Luật Phòng không không quân, Bộ Quốc phòng cấp phép cho chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; Bộ Công an cấp phép bay cho tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của Bộ Công an
Bộ Tư pháp đang thẩm định Dự thảo lần thứ 3 của Luật Phòng không không quân, trong đó những quy định về sử dụng tàu bay không người lái được người dân quan tâm.
Theo đó, Điều 29 về Đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ quy định như sau:
1. Đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ
a) Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đăng ký tại các cơ quan chức năng của Bộ Công an trước khi đưa vào khai thác, sử dụng;
b) Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của Quân đội, Công an đăng ký theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
c) Cơ quan công an đăng ký chủ sở hữu tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan Quân đội khi có yêu cầu để phối hợp quản lý.
2. Khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ
a) Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên; được đào tạo kiến thức về hàng không và được cấp chứng chỉ theo quy định của Chính phủ; quá trình khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ không được sử dụng chất cấm theo quy định của pháp luật;
b) Bộ Quốc phòng cấp phép cho chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Bộ Công an cấp phép bay cho tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của Bộ Công an. Trường hợp cấp phép bay cho hoạt động bay trong khu vực cấm bay, hạn chế bay tại cảng hàng không, sân bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự phải được sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng;
c) Tàu bay không người lái phục vụ vui chơi giải trí có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 ki-lô-gam hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay được miễn trừ cấp phép bay.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Cũng tại bản Dự thảo lần này, Điều 30 về Đình chỉ chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ quy định như sau:
1. Các trường hợp bị đình chỉ chuyến bay
a) Bay không đúng thời gian, độ cao, cự li, khu vực của giấy phép bay; phương tiện bay chưa được đăng ký, cấp phép theo quy định;
b) Giấy phép bay đã hết hạn hoặc tổ chức bay trước hoặc sau thời hạn quy định trong giấy phép;
c) Trước khi tổ chức hoạt động bay không thông báo chuyến bay cho Trung tâm quản lý điều hành bay khu vực để thông báo dự báo bay;
d) Không thực hiện quy định hiệp đồng bay với cơ quan quân sự địa phương trong địa bàn có tổ chức hoạt động bay;
đ) Người điều khiển bay không có giấy chứng nhận đủ điều kiện bay; phương tiện bay chưa đăng ký tại cơ quan chức năng có thẩm quyền; sử dụng các phương tiện bay không đúng theo đăng ký ban đầu;
e) Vi phạm điều ước quốc tế về quản lý biên giới mà Việt Nam và các nước có chung đường biên giới đã ký kết.
2. Thẩm quyền ra lệnh đình chỉ chuyến bay
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyền đình chỉ tất cả các chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong vùng trời Việt Nam, vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;
Bộ trưởng Bộ Công an được quyền đình chỉ các chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ Công an cấp phép hoặc các chuyến bay, phương tiện bay xâm phạm vào các mục tiêu do Bộ Công an bảo vệ;
b) Tư lệnh Quân khu được quyền đình chỉ hoạt động bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này hoặc hoạt động bay có độ cao dưới 120 mét trên phạm vi địa bàn quản lý;
c) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh được quyền đình chỉ hoạt động bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này hoặc hoạt động bay có độ cao dưới 50 mét trên phạm vi địa bàn quản lý;
d) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Chỉ huy đơn vị bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới được quyền đình chỉ hoạt động bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trên địa bàn quản lý.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định trình tự, thủ tục đình chỉ chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Điều 31 của Dự thảo Luật quy định về Tạm giữ, bắt giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ như sau:
1. Các trường hợp bị tạm giữ, bắt giữ, chế áp
a) Tổ chức hoạt động bay khi chưa được cấp phép bay hoặc không có giấy phép bay;
b) Bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo vẫn cố tình bay vào, trừ các chuyến bay công vụ;
c) Xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay mà có khả năng gây mất an toàn cho hoạt động bay;
d) Các hoạt động bay nhằm mục đích tuyên tuyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
đ) Sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ mang theo các chất cháy, chất nổ, chất gây nổ, vũ khi sinh học hoặc các chất cấm.
2. Thẩm quyền ra lệnh tạm giữ, bắt giữ, chế áp
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có quyền ra lệnh bắt giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm theo quy định tại các điểm b, d và đ khoản 1 Điều này;
b) Tư lệnh các quân khu được quyền ra lệnh tạm giữ, bắt giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều này trên địa bàn quản lý;
c) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, cấp xã được quyền ra lệnh tạm giữ, bắt giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều này trên địa bàn quản lý;
d) Chỉ huy lực lượng an ninh hàng không, Chỉ huy đơn vị bộ đội biên phòng, được quyền ra lệnh tạm giữ, bắt giữ, chế áp các trường hợp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm hoạt động bay theo quy định tại khoản 1 Điều này trên địa bàn, khu vực quản lý;
đ) Chỉ huy các đơn vị Quân đội, Công an được quyền ra lệnh tạm giữ, bắt giữ, chế áp các trường hợp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ xâm phạm vào các mục tiêu được giao quản lý, bảo vệ;
e) Tổ trưởng tổ chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được quyền ra lệnh chế áp, tạm giữ khi phát hiện các phương tiện bay vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định trình tự, thủ tục tạm giữ, bắt giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Trước đó, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật, Bộ Tư pháp cho biết: Qua rà soát cho thấy, một số quy định của dự thảo Luật về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ có sự thay đổi so với chính sách được đề xuất. Cụ thể như sau: Tại trang 20 Báo cáo số 579/BC-BQP xác định trách nhiệm cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Tuy nhiên khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật xác định chủ thể cấp phép bay đối với các phương tiện này bao gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, đơn vị bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình rõ tại hồ sơ dự thảo Luật đối với các nội dung có sự thay đổi so với chính sách đã được thông qua, làm cơ sở cho Chính phủ xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tư pháp, thực tiễn hiện nay còn có hoạt động sử dụng tàu bay không người lái để phun thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất nông nghiệp đang được ứng dụng hiệu quả, giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, tuy nhiên, theo quy định tại dự thảo Luật, việc cấp phép này vẫn phải thông qua Bộ Quốc phòng (Bộ Tổng tham mưu), điều này có thể gây khó khăn cho người xin cấp phép. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định cho phù hợp nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất nông nghiệp khi đề nghị cấp phép bay.