Liên quan đến thắc mắc của độc giả về việc Chủ tịch UBND tỉnh có phiếu “tín nhiệm thấp” quá bán tại kỳ họp HĐND, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã lý giải vấn đề này.
Căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các tỉnh, thành vừa qua (nhiệm kỳ 2021 - 2026), trường hợp được quan tâm nhất là Chủ tịch UBND của một tỉnh có trên 50% số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp".
Tối 15.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Theo Khoản 2, Điều 12 “Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm”, Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23.6.2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra từ ngày 13 - 15.12. Ảnh: PV |
Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất...
“Đối chiếu quy định trên, Chủ tịch UBND tỉnh có phiếu "tín nhiệm thấp" quá 50% thuộc trường hợp “có thể xin từ chức” hoặc Thường trực HĐND trình HĐND tỉnh tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm”, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, nếu như ở quy trình lấy phiếu tín nhiệm được đánh giá theo ba mức là: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” thì ở quy trình bỏ phiếu tín nhiệm chỉ còn hai mức: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm.
(Laodong)
https://laodong.vn/thoi-su/phuong-an-xu-ly-neu-chu-tich-ubnd-tinh-co-phieu-tin-nhiem-thap-qua-ban-1280501.ldo