- Ukraine đã nhận được ít đạn pháo hơn kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự chống lại Hamas, Tổng thống Vladimir Zelensky vừa lên tiếng thừa nhận. Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng sự cạnh tranh về đạn dược giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, đặc biệt là đạn pháo cỡ nòng 155mm.
Đầu tuần này, Bloomberg đưa tin Lầu Năm Góc đã tăng cường chuyển giao vũ khí cho Israel trong bối cảnh nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Gaza. Ở những nơi khác, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) - ông Josep Borrell gần đây cũng cảnh báo Kiev rằng các quốc gia thành viên không thể cung cấp vũ khí từ kho dự trữ hiện có nữa.
Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Kiev ngày hôm qua (17/11), ông Zelensky lưu ý rằng “các chuyến hàng gửi cho chúng tôi đã giảm” và “thực sự chậm lại”.
Theo Tổng thống Zelensky, tình hình đã trở nên trầm trọng hơn vì “hiện tại các kho vũ khí trống rỗng hoặc đang ở mức tối thiểu mà theo luật là không thể cung cấp cho bạn”.
Bloomberg trước đó trích dẫn một danh sách nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ đề ngày cuối tháng 10 cho biết, Washington đã tăng viện trợ quốc phòng cho Israel mà không công bố động thái này.
Trong số vũ khí được cung cấp từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc có 57.000 quả đạn pháo 155mm, hãng truyền thông Bloomberg cho hay.
Phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU vào thứ Ba, ông Borrell cho biết khối này đã cung cấp hơn 300.000 viên đạn pháo cho Ukraine, làm cạn kiệt kho dự trữ hiện có. Người đứng đầu chính sách đối ngoại nói thêm rằng khối bây giờ sẽ phải chuyển sang sử dụng đạn dược sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu của Kiev.
Thông điệp của ông Borrell được củng cố thêm bởi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, người cảnh báo rằng Brussels có thể sẽ không thể thực hiện tốt cam kết cung cấp cho Ukraine 1 triệu viên đạn pháo vào tháng 3 tới. Ông Pistorius cho rằng sự thiếu hụt được cho là do năng lực sản xuất ở châu Âu không đủ.
Với chiến dịch phản công kéo dài nhiều tháng trong mùa hè không mang lại bất kỳ kết quả đáng kể nào, Ukraine gần đây đã tăng gấp đôi yêu cầu cung cấp thêm vũ khí và đạn dược từ các nước phương Tây ủng hộ.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng không có khoản viện trợ quốc phòng nào cung cấp cho Kiev có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột, đồng thời cảnh báo rằng việc tiếp tục cung cấp vũ khí chỉ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa NATO và Moscow.