- Gửi câu hỏi chất vấn đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn thành phố Hà Nội đặt vấn đề: Nhiệm kỳ này Chính phủ trình thực hiện hiện thí điểm có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ và có thể tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hay cơ chế xin cho.
“Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?” Đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) |
Có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói:
“Đúng là vừa qua chúng ta cũng trình các cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành. Đây cũng là một thực tiễn, một yêu cầu khách quan và đặc biệt là đất nước ta có một đặc điểm rất lớn, là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, hội nhập cao, độ mở cao, khả năng chống chịu với các chính sách bên ngoài còn hạn chế.
Thứ hai là tình hình thế giới, tình hình thực tiễn của đất nước ta cũng thay đổi rất nhanh. Vì vậy mọi văn bản, mọi quy định có cái theo kịp, sát thực tế và có cái thì chưa mà quy trình xây dựng pháp luật cũng còn tốn nhiều thời gian, công sức.
Việc này ta làm là có cơ sở chính trị, Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa này đều có một tinh thần, tức là những cái gì đã rõ, đã chín được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì chúng ta quyết tâm thực hiện, có thể luật hóa. Cái gì chưa rõ, chưa chín hoặc có luật pháp nhưng không còn phù hợp hoặc là chưa có luật pháp thì chúng ta mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thứ hai, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cũng cho phép tại khoản 2 Điều 15 cũng cho phép việc này. Như vậy cơ sở pháp lý có.
Thứ ba, về cơ sở thực tiễn, vừa qua chúng ta đã ban hành một số các nghị quyết như Nghị quyết 30 của Quốc hội rất kịp thời hay là một số nghị quyết thí điểm cho các địa phương cũng đang có hiệu quả. Như vậy chúng ta có cả cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải có điều chỉnh cho phù hợp.
Sắp tới, chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của các cơ quan có liên quan cũng như các vị đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm, xuyên suốt và thống nhất.”