- Trả lời chất vấn của đại biểu về việc du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên nhân của những vướng mắc, khó khăn có cả chủ quan và khách quan, "nhưng theo tôi chủ quan là chính"...
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của Quốc hội |
Sáng 8/11, đặt câu hỏi chất vấn đến Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Hải Dương nêu rõ: Du lịch là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai. Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường.
“Tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế hiện có và các giải pháp đảm bảo nguồn lực về tài nguyên, về vốn, về khoa học công nghệ, về con người và nguồn lực mềm. Đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ khả thi.” – đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận một thực tế là ngành du lịch của chúng ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh cũng như mong đợi của đồng bào, cử tri cả nước. Nguyên nhân liên quan đến vấn đề về chính sách, thể chế, lãnh đạo, chỉ đạo về nguồn nhân lực, bố trí quy hoạch, phát triển ngành…
“Đây là ngành mới nhưng có tính hội nhập cao. Sẽ có những vướng mắc, khó khăn, tức có cả chủ quan và khách quan nhưng theo tôi chủ quan là chính.” – Thủ tướng thẳng thắn và nêu rõ một số giải pháp.
Theo đó, triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng về ngành du lịch, là một ngành kinh tế mũi nhọn; thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương này bằng các luật pháp và Quốc hội cũng có ban hành luật pháp. Chính phủ cũng có các nghị định, các Bộ có các thông tư liên quan.
“Tóm lại chúng ta phải triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thứ hai, chúng ta phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung để xác định rõ trọng tâm phát triển; Thứ ba, phải có nguồn lực cho hạ tầng du lịch. Thứ tư, phải có nguồn nhân lực đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thứ năm, đây là một ngành kinh tế tương đối tổng hợp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các ngành.” – Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời đại biểu.