- Theo Ban soạn thảo, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ”, chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ…
Thực hiện chương trình làm việc, chiều 14/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp giữa 02 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Tại phiên họp chiều nay, trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Ngày 25/10/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đã có 11 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến và 01 ĐBQH gửi ý kiến bằng văn bản. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, rà soát tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.
Về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (khoản 8 Điều 3 và Điều 28), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng tên gọi “dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” đã thể hiện được các đặc tính của dịch vụ này. Do vậy, xin giữ tên gọi này như trong dự thảo Luật.
Lý do, theo Ủy ban KH,CN&MT là vì, Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cung cấp các tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình), cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet.
Các dịch vụ giống nhau cần được điều chỉnh bởi cùng một Luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và được quản lý theo pháp luật về viễn thông.
Do đó, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông.
Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quản lý dịch vụ này theo phương thức “quản lý nhẹ”, chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ như tại Điều 28 dự thảo Luật.
Về cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây (Điều 29), nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã chỉnh lý khoản 3 Điều 29 theo hướng làm rõ nghĩa vụ thực hiện công bố về sự phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chỉ áp dụng đối với các trung tâm dữ liệu sử dụng để kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây cho công cộng; đồng thời, chỉnh lý khoản 4 Điều 29 theo hướng chỉ điều chỉnh đối với việc sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp. Do đó, các trung tâm dữ liệu phục vụ cho hoạt động quốc phòng, an ninh, trong đó có cơ yếu không thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định này.
Về quản lý hoạt động viễn thông công ích (Điều 31), có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT xin báo cáo như sau: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định Nhà nước có chính sách “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia”.
Việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt nam sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp.
Do vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như Điều 31 dự thảo Luật; đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ (điểm b khoản 2 Điều 31).
Về một số vấn đề về tài nguyên viễn thông (Chương VI), các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị được giữ quy định về đấu giá kho số viễn thông như trong dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị làm rõ việc các tổ chức quốc tế, khu vực hiện nay thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng có làm ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam không; Việt Nam có thu phí số hiệu mạng không, nếu có đề nghị đánh giá tác động bổ sung.
Nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng có cơ sở để xem xét việc quy định bổ sung về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng, đã bổ sung, chỉnh lý nội dung này và thể hiện tại điểm d khoản 9 Điều 50 và khoản 4, khoản 5 Điều 71 dự thảo Luật. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức và báo cáo UBTVQH về nội dung này dựa trên cơ sở đánh giá tác động đầy đủ.
Về điều khoản thi hành (Chương X), có ý kiến đề nghị rà soát quy định hiệu lực thi hành đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cho phù hợp với thực tế và các quy định về dịch vụ này tại dự thảo Luật.
Về nội dung trên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị được giữ quy định hiệu lực thi hành đối với 03 dịch vụ này là từ ngày 01/7/2025 như dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 để bảo đảm việc hướng dẫn của Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều 28, khoản 4 Điều 29 dự thảo Luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan đến các dịch vụ này. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT trân trọng đề nghị Chính phủ báo cáo UBTVQH làm rõ thêm về vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định thủ tục cấp đổi giấy phép, đề nghị rà soát, hoàn thiện quy định chuyển tiếp để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã chỉnh lý điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật theo hướng không yêu cầu cấp đổi giấy phép. Các tổ chức, doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng Giấy phép viễn thông đã được cấp theo Luật Viễn thông năm 2009. Trường hợp doanh nghiệp có Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có thời hạn ngắn hơn thời hạn của Giấy phép thiết lập mạng viễn thông đã được cấp thì Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông được kéo dài thời hạn bằng thời hạn của Giấy phép thiết lập mạng.
Ngoài các vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như các nội dung nêu trong dự thảo Báo cáo của UBTVQH về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.