- Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, phát triển vận tải hành khách công cộng có nhiều loại hình, nhiều loại phương tiện. Vì vậy, nên quy định chung theo hướng “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn” để bảo đảm bao quát hơn…
Góp ý cho Dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị rà soát quy định chính sách “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật quy định chính sách “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn |
Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp, bởi phát triển vận tải hành khách công cộng có nhiều loại hình, nhiều loại phương tiện. Vì vậy, nên quy định chung theo hướng “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn” để bảo đảm bao quát hơn.
“Khối lớn là thuật ngữ chuyên ngành gồm hệ thống đường sắt đô thị (đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng, đường xe điện bánh sắt), hệ thống xe buýt (xe buýt nhanh- BRT, xe buýt)” – đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn giải thích.
Cùng với đó, theo đại biểu tỉnh Hải Dương, cần bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn cho phù hợp với Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư và yêu cầu của thực tiễn; đồng thời cần cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển đường bộ phục vụ các đối tượng dễ bị tổn thương (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai...) trong các điều luật của Dự thảo Luật.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đề cập một trong các nguyên tắc hoạt động đường bộ là thân thiện môi trường. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới chỉ đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện mà chưa đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ khí CNG, LNG, sau này là Hydro. Đây đều được coi là phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện môi trường.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần rà soát, thay thế cụm từ “trạm sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện” thành “trạm sạc/nạp cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện với môi trường” trong toàn bộ dự thảo Luật.