- Sáng nay (24/11), với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74 %), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngày 25/10/2023, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 11 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu và 01 ĐBQH gửi ý kiến bằng văn bản.
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng nội dung và kỹ thuật lập pháp. Ngày 23/11/2023, UBTVQH đã có Báo cáo đầy đủ số 694/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (khoản 8 Điều 3 và Điều 28), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có phải là một loại hình dịch vụ viễn thông hay không; nếu đúng thì phải đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của các dịch vụ viễn thông truyền thống; nếu không phải thì cần định nghĩa lại để tránh sự nhầm lẫn trong cách hiểu, áp dụng và thực thi pháp luật.
Nội dung này cũng đã được UBTVQH báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp ngày 25/10/2023. Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cung cấp các tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình), cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet. Các dịch vụ giống nhau cần được điều chỉnh bởi cùng một Luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và được quản lý theo pháp luật về viễn thông.
Do đó, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông. Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định theo phương thức “quản lý nhẹ” , chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ như tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật. Với phân tích nêu trên, UBTVQH thấy rằng tên gọi “dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” đã thể hiện được các đặc tính của dịch vụ này. Do vậy, xin giữ tên gọi này như trong dự thảo Luật.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (Điều 31), có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.
UBTVQH đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như Điều 32 dự thảo Luật; đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ để phù hợp với tình hình thực tế (khoản 2 Điều 32). Bởi việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia” theo chủ trương của Đảng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp.
UBTVQH đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như Điều 32 dự thảo Luật; đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ để phù hợp với tình hình thực tế (khoản 2 Điều 32). Bởi việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia” theo chủ trương của Đảng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp.
Giải trình về tài nguyên viễn thông (Chương VI), có ý kiến đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và giao Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết. Đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông, UBTVQH đề nghị được giữ quy định về đấu giá kho số viễn thông như trong dự thảo Luật. Lý do là việc đánh giá để phân nhóm theo giá trị các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt là khó khả thi vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan niệm của người sử dụng, vùng, miền.
Việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô... Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (điểm b khoản 2 Điều 48); trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện theo pháp luật về dân sự.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ đấu giá theo phương thức trả giá lên đối với đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 50 dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định phương thức, hình thức đấu giá kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản để thống nhất với Điều 58 Luật Đấu giá tài sản về phương thức trả giá lên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, giải trình ý kiến đề nghị làm rõ việc tổ chức quốc tế thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng có làm ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam không; Việt Nam có thu phí số hiệu mạng không, nếu có đề nghị đánh giá tác động bổ sung. UBTVQH nhận thấy, đây là nội dung mới so với dự thảo Luật do Chính phủ trình, phát sinh nghĩa vụ tài chính (mặc dù mức thu không lớn), do đó cần rà soát kỹ lưỡng và đánh giá tác động.
Qua nghiên cứu, rà soát, xem xét đánh giá tác động, UBTVQH thấy rằng, việc thu, nộp lệ phí đăng ký sử dụng và phí duy trì sử dụng số hiệu mạng là nghĩa vụ bắt buộc, thực hiện theo quy định quốc tế. Nếu Việt Nam không có quy định này, các tổ chức, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sử dụng nhiều số hiệu mạng sẽ gặp khó khăn trong đăng ký, sử dụng số hiệu mạng và ảnh hưởng đến hoạt động mạng, dịch vụ của doanh nghiệp trong thời gian tới. Tính đến tháng 10/2023, trong số 614 tổ chức, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã đăng ký sử dụng số hiệu mạng, chỉ có 04 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí sử dụng số hiệu mạng theo chính sách mới của APNIC.
Việc thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng sẽ thực hiện tương tự như đối với địa chỉ Internet (đã triển khai từ trước đến nay). Mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ miễn, giảm đối với phí, lệ phí số hiệu mạng sẽ được quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Phí và lệ phí. Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý cấp, phân bổ số hiệu mạng) sẽ có trách nhiệm tổ chức việc thu lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng.
Chủ thể có trách nhiệm nộp lệ phí, phí là tổ chức, doanh nghiệp đăng ký sử dụng số hiệu mạng tại Việt Nam. Lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng được nộp 100% vào ngân sách nhà nước.
Từ phân tích nêu trên, nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định việc nộp phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet; lệ phí phân bổ, cấp tài nguyên Internet tại điểm d khoản 9 Điều 50 (như vậy đã bao gồm việc bổ sung về nộp lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng, phí duy trì số hiệu mạng) và khoản 3 Điều 71 dự thảo Luật. Quy định như vậy là phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý thuế.
Về điều khoản thi hành (Chương X), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo Luật về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet và đề nghị thời gian hiệu lực thi hành đối với các dịch vụ này là từ ngày 01/1/2025 để phù hợp với thực tiễn.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật theo hướng không yêu cầu cấp đổi giấy phép.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).