- Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo có khả năng thực sự là quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga có thể bị cắt đứt hoàn toàn. Trong khi Nga muốn tránh một kịch bản như vậy, việc Washington kiên quyết áp dụng các chính sách đối đầu khiến kịch bản đó trở nên dễ xảy ra hơn bao giờ hết.
Mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân đã chạm đáy sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều năm giữa Nga với Ukraine dẫn đến một chiến dịch quân sự đặc biệt được Moscow phát động vào đầu năm 2022. Điện Kremlin tuyên bố rằng Washington đang sử dụng Kiev như một lực lượng ủy quyền để tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Moscow một cách hiệu quả.
Trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (16/11) đánh dấu kỷ niệm 90 năm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Liên Xô, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng “có nguy cơ mối quan hệ này thêm một lần nữa có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào”. Bộ Ngoại giao Nga đổ lỗi kết quả nói trên là do các chính sách “vô trách nhiệm” của Washington nhằm “thúc đẩy leo thang hơn nữa” tình hình căng thẳng và do việc Washington theo đuổi “chiến lược đánh bại” của Moscow.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm, sau khi lấy “sự bài Nga tràn lan” làm nguyên tắc chỉ đạo, Mỹ đã giảm quan hệ song phương xuống mức “gần như không có gì”.
Theo tuyên bố, giới tinh hoa Mỹ đã tự lừa dối mình khi tin rằng quyền bá chủ của Mỹ là tuyệt đối và không quốc gia nào có đủ tư cách để nghi ngờ điều đó. Khi từ chối thừa nhận “những thay đổi mang tính kiến tạo địa chính trị” và sự cải tổ “cán cân quyền lực toàn cầu” đang diễn ra, Mỹ ngày càng kiên quyết theo đuổi chính sách kiềm chế đối với Trung Quốc và Nga, trong một nỗ lực vô ích nhằm đảo ngược xu hướng đa cực hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng rằng các nhà lãnh đạo tương lai ở Washington cuối cùng cũng học theo những người tiền nhiệm thời Chiến tranh Lạnh và định hình lại chính sách của họ đối với Nga “dựa trên sự tôn trọng và tính đến lợi ích của nhau”, tuyên bố kết luận.
Tháng trước, người phát ngôn của Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đã chỉ ra một bài báo của nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Jeffrey Sachs, trong đó kêu gọi một mối quan hệ hòa dịu mới giữa Mỹ và Nga, nói rằng quan điểm như vậy, tuy không phải là quan điểm chiếm ưu thế, nhưng đang “dần dần có được động lực” ở Washington.