- Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ chiều ngày 24/11, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến đồng tình quy định không cho phép có nồng độ khi tham gia giao thông.
Kiến nghị người dân có trách nhiệm học tập pháp luật về ATGT
Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, hồ sơ dự án luật cần làm sâu sắc, thuyết phục hơn nữa trong nội dung về sự cần thiết xây dựng dự án luật.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tại phiên họp. |
Theo đại biểu, cần nhấn mạnh tính chất quan trọng của việc đảm bảo TTATGT, công tác này tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe con người. Công tác đảm bảo TTATGT là một nội dung của công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bởi vậy, đây là một trong những mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước.
Vì liên quan đến tính mạng con người nên Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo, công tác đảm bảo TTATGT đạt kết quả tích cực. Trong quá trình cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, bên cạnh những kết quả tích cực, tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đại biểu phân tích số liệu về tai nạn giao thông, ách tắc giao thông và cho rằng, cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý cho công tác đảm bảo TTATGT đường bộ. Vấn đề đại biểu quan tâm nhất đó là ý thức tham gia giao thông của con người. “Phần lớn các vụ tai nạn giao thông đều do con người, ý thức người tham gia giao thông chiếm đến 90% số vụ tai nạn giao thông. Bởi vậy, việc thay đổi hành vi của người tham gia giao thông cần được ưu tiên.
Về văn hoá giao thông phải được thay đổi, được tăng cường, thay đổi để người tham gia giao thông có ứng xử đúng mực khi tham gia giao thông” – đại biểu nói và cho biết, để làm được điều này không chỉ phạt nặng, phạt nghiêm mà quan trọng hơn là giáo dục, tuyên truyền người tham gia giao thông nâng cao ý thức pháp luật về TTATGT.
Trong dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân khi tham gia giao thông nhưng chưa quy định trách nhiệm học tập của công dân để hiểu biết pháp luật về ATGT. “Chính vì vậy, việc tuyên truyền phải ở 2 phía, phía Nhà nước phải tích cực tuyên truyền, phía công dân phải tích cực học tập” - đại biểu kiến nghị.
Phải hình thành văn hoá, thói quen "Đã uống rượu, bia thì không lái xe”
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu. Việc xây dựng 2 dự án luật từ nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là hết sức cần thiết.
Góp ý vào các hành vi bị cấm tại Điều 8, đại biểu Đặng Bích Ngọc quan tâm đến khoản 1, Điều 8 quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo ATGT, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất theo quy định của dự thảo luật, tức là không cho phép có nồng độ khi tham gia giao thông.
Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn vì các vụ TNGT nghiêm trọng trở lên thì có tới 50% nguyên nhân là do người gây tai nạn có nồng độ cồn. Đặc biệt, đại biểu cho rằng, quy định pháp luật nên tường minh giúp người dân dễ hiểu, dễ chấp hành. Trong đó, việc cấm tuyệt đối hay cho phép có một mức nồng độ cồn nào đó thì cấm tuyệt đối sẽ giúp người dân dễ chấp hành, tự mình đánh giá có vi phạm hay không vi phạm. Nếu cho phép uống rượu, bia ở ngưỡng nào đó sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hành vi vi phạm vì tâm lý nếu uống 1 chén rượu sẽ có khả năng uống thêm vì người uống không biết đã đến ngưỡng hay chưa.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân chưa cao nên việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ phù hợp hơn. “Quy định trong dự thảo không phải là mới vì đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá có hiệu lực từ 01/01/2020. Do 2 năm dịch COVID nên từ năm 2022, Cảnh sát giao thông mới thực hiện xử phạt mạnh và đang cho kết quả kiềm chế tai nạn giao thông rất tốt nên việc thay đổi quy định là không nên” - đại biểu nêu quan điểm.
Nhất trí với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Thịnh, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng nêu quan điểm, không cho phép có nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính họ.
P.Mai