- Chiều 28/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cùng các bộ, ngành liên quan, một số địa phương về tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại cuộc làm việc, thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo về tình hình triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Theo đó, đến nay, về cơ bản tiến độ công việc đã được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Cụ thể, Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT đã phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành và triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; ban hành Công văn gửi Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy về việc hướng dẫn tổng kết. Trong tháng 5/2023, Ban Cán sự đảng Bộ GDĐT đã tổ chức buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về việc phối hợp triển khai thực hiện và tổ chức Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo để thống nhất phân công và triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Để nắm bắt tình hình thực tiễn tại các địa phương, các cơ sở giáo dục, đào tạo và lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học, Bộ GDĐT đã tổ chức khảo sát trực tiếp tại 08 địa phương (An Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai, Điện Biên); 05 cơ sở giáo dục đại học (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Y dược Hải Phòng, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Đà Lạt) và một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; tổ chức các hội thảo chuyên đề về: Giáo dục mầm non; Giáo dục đại học; Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; Giáo dục phổ thông, Giáo dục thường xuyên và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đến nay, 63 tỉnh ủy, thành ủy và 18 bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã gửi báo cáo tổng kết Nghị quyết 29 về Bộ GDĐT. Trên cơ sở báo cáo tổng kết của các địa phương, bộ, ban, ngành, cơ quan và thực tế triển khai trong cả nước, Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 trình Bộ Chính trị, gồm: Dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị; Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; Dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị. Hiện nay, Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT đã gửi dự thảo Đề án tổng kết để xin ý kiến góp ý của Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Đề án trình tổng kết Nghị quyết 29 đã nhận định rõ những thành tựu quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua, với những đóng góp to lớn vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành, cơ quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo dục để hoàn thiện dự thảo Đề án, trình các cấp có thẩm quyền theo kế hoạch đã đề ra.
Các ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá công tác đổi mới giáo dục, đào tạo đang đi đúng hướng nhưng nguồn lực dành cho lĩnh vực này, cả nhân lực, vật lực, tài lực, cần được quan tâm sâu sát hơn để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện. Đồng thời, đưa ra những nhận định về tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng công tác tổng kết cần bám sát nội dung đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận số 51/KL-TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, từ công tác thể chế hoá đến tổ chức triển khai thực hiện, trong đó, tập trung phân tích, đánh giá khách quan tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đối với những mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc làm việc - Ảnh: VGP/MK |
Công tác tổng kết, đánh giá không chỉ liệt kê đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ đã triển khai mà cần tập trung làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu phối hợp, kết nối, liên thông, đồng bộ giữa các bộ, ngành, và thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết dẫn đến tình trạng "văn bản có đầy đủ nhưng không vận hành được", "chủ trương đúng, nhưng hiểu và vận dụng chưa thông", "Các tiêu chí đánh giá chất lượng, kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần theo thang chuẩn của thế giới".
Phó Thủ tướng cũng cho rằng trước bối cảnh, yêu cầu trong nước và quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thì hệ thống quan điểm, tư duy, phương pháp thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận lại. Từ đó, xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định, kiên trì triển khai; đồng thời bổ sung các vấn đề, đòi hỏi mới từ thực tiễn, lý luận, tạo đột phá hơn nữa đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới. Đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.