- “Đã có những doanh nghiệp phải đóng cửa; máy móc, trang thiết bị đầu tư nhiều tỷ phải phủ bạt để không; đơn hàng bị hủy bỏ; nợ quá hạn tại ngân hàng phát sinh; Người lao động mất việc làm...” - đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu hậu quả của việc tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng...
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết, thời gian vừa qua nổi lên vấn đề, đó là ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội xuất khẩu tinh bột sắn, Hiệp hội gỗ và lâm sản, Chi hội dăm gỗ đã bức xúc gửi đơn kiến nghị kêu cứu.
Theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các văn bản của ngành thuế thời gian qua thể hiện những cố gắng lớn của ngành để đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng và cũng đã góp phần tăng cường nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý thuế địa phương. Nhưng trong đó có những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số nhóm ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm 3 ngành hàng tinh bột sắn, gỗ, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và cao su.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) |
Theo đại biểu tỉnh Quảng Ninh, tình trạng trên có nguyên nhân chính xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Cụ thể:
Đối với nhóm mặt hàng ngành gỗ, sản phẩm gỗ, dăm gỗ, sản phẩm từ gỗ và cao su. Tổng cục Thuế hướng dẫn, chỉ đạo các cục thuế thực hiện rà soát, xác minh qua các khâu mua hàng từ f1, f2 đến khâu thu mua từ người dân quá mức cần thiết. Bởi quy định theo Luật Thuế giá trị gia tăng: "Thuế giá trị gia tăng chỉ bắt đầu phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn giá trị gia tăng. Với các khâu chưa có thuế, chưa có hóa đơn, giá trị gia tăng thì không phát sinh vấn đề việc hoàn thuế giá trị gia tăng và gian lận thuế".
Vì vậy, việc yêu cầu xác minh cả đối tượng đối với những khâu này là không cần thiết và không có cơ sở. Doanh nghiệp xuất khẩu một lô hàng và xuất khẩu dăm gỗ phải thu mua gỗ từ nhiều địa bàn của rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau nên cần thời gian rất dài để xác minh
Theo đại biểu tỉnh Quảng Ninh, chi cục thuế địa phương cũng không có chức năng quyền hạn và cũng không đầy đủ nguồn nhân lực để đi xác minh việc này, nên nếu xác minh phải nhờ đến đơn vị thứ ba là cơ quan công an. Với khối lượng công việc nhiều, cán bộ ít để xác minh mất rất nhiều thời gian.
Đại biểu phân tích: Trong nhóm các mặt hàng gỗ, dăm gỗ, gỗ dán và các sản phẩm gỗ có những mặt hàng là các sản phẩm đã qua khâu chế biến và có giá trị gia tăng cao như các sản phẩm gỗ, gỗ dán, gỗ viên nén. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể dễ dàng được kiểm tra về tính tuân thủ thông qua đầu vào từ các nhà máy chế biến và đầu ra đối với các khâu xuất khẩu lâu năm.
Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn trong ngành đã yêu cầu rà soát, xác minh, không phân biệt giữa các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chưa chế biến và các sản phẩm đã qua chế biến chưa thật sự phù hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định việc xác minh đến tận khâu thu mua từ người dân chưa thực sự phù hợp và nhất quán đối với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với nhóm mặt hàng tinh bột sắn, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, việc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với các đối tác của Trung Quốc và coi đây là căn cứ để cho rằng việc doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoàn thuế là chưa thực sự thuyết phục.
“Tổng cục Thuế cũng cần chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan để đánh giá tính xác thực của khối lượng xuất khẩu. Việc xin ý kiến các cơ quan về tính pháp lý của các hợp đồng mua bán bên đối tác từ các thông tin của cơ quan thuế nước ngoài để đánh giá về tính tích cực, tính thực chất của hoạt động xuất khẩu không phải là cách giải quyết thấu đáo đối với các hồ sơ tồn đọng về xuất khẩu tinh bột sắn hiện nay.” – đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Ninh, những quy định bất cập của ngành thuế đã khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy dòng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo báo cáo tổng hợp, từ năm 2021 đến tháng 9/2023 của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, số tiền thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa được hoàn đến nay là 6.100 tỷ. Qua chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đến nay mới "vào" được gần 2.000 tỷ. Riêng 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn của tỉnh Quảng Ninh chưa được hoàn thuế là 1.181 tỷ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng nêu rõ: Theo báo cáo của ngành thuế đối với lĩnh vực gỗ và các sản phẩm gỗ, hồ sơ tồn chưa giải quyết hoàn thuế của năm 2022 và nửa đầu năm 2023 là 149 hồ sơ, chỉ xấp xỉ 9% tổng số hồ sơ đề nghị. Nhưng trên thực tế cao hơn rất nhiều vì các doanh nghiệp hiện nay vốn đọng vào tiền hoàn thuế giá trị gia tăng còn cao hơn. Bởi nhiều doanh nghiệp vì nộp hồ sơ hoàn thuế lần đầu vướng mắc và chờ kết quả điều tra quá lâu nên chưa nộp hồ sơ tiếp theo.
“Đã có những doanh nghiệp phải đóng cửa; máy móc, trang thiết bị đầu tư nhiều tỷ phải phủ bạt để không; đơn hàng bị hủy bỏ; nợ quá hạn tại ngân hàng phát sinh. Người lao động mất việc làm, giá nguyên liệu đầu vào thấp, người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.” – đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho hay.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Ninh, từ những vướng mắc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo, tuy nhiên văn bản của Tổng cục Thuế ban hành trước đó còn có những bất cập, chưa được chỉnh lý kịp thời nên cục thuế các địa phương đang áp dụng một cách khác nhau. Địa phương giải quyết hoàn thuế, có địa phương chưa thực hiện hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo khẩn trương rà soát cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính. Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện hoàn trước kiểm sau đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc gỗ sản phẩm từ rừng trồng, hồ sơ, thủ tục hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.