- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương kéo dài thời gian thực hiện Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Sân bay Long Thành. Tuy nhiên, hiện các Bộ ngành chưa tham mưu được cho Chính phủ lấy từ nguồn nào…
Chiều 15/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đối với việc bố trí nguồn vốn cho dự án, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành liên quan, căn cứ quy định của pháp luật, nghiên cứu phương án cụ thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến việc bố trí nguồn vốn, theo quy định của Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công năm 2020 chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/12/2021; kế hoạch đầu tư công năm 2021 của Dự án đã được Chính phủ cho phép kéo dài giải ngân đến ngày 31/12/2022. Do đó, đến thời điểm hiện nay, toàn bộ số vốn kế hoạch năm 2020, 2021 còn lại chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo một số ý kiến về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14. |
Về nguyên tắc, UBND tỉnh Đồng Nai phải nộp toàn bộ số vốn chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 về ngân sách trung ương. Do đó, số tiền thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và năm 2020 đã hủy dự toán theo quy định của pháp luật nên phương án Chính phủ đề xuất tại Tờ trình số 558/TTr-CP ngày 16/10/2023 không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ GTVT về tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội tại Tổ về điều chỉnh một số Nghị quyết số 53/2017/QH14, do khó khăn trong việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, cũng chưa cân đối hằng năm cho Dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng sang năm 2024 để hoàn thành Dự án, tương tự như Quốc hội đã cho phép gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2018 tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 và tương tự như Quốc hội đã cho phép gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 bổ sung cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.
Trên cơ sở Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 2847/TB-TTKQH ngày 05/10/2023, ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội về nội dung nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 2991/TTKQH-KT ngày 02/11/2023 đề nghị Chính phủ bổ sung Tờ trình về việc đề xuất nguồn để bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí dự toán hằng năm vì số tiền 2.510,372 tỷ đồng đã hủy dự toán theo quy định của pháp luật, không còn tiền để chuyển nguồn nên phương án Chính phủ đề xuất tại Tờ trình số 558/TTr-CP không thể thực hiện được. Đến hết ngày 14/11/2023, Thường trực Ủy ban Kinh tế vẫn chưa nhận được Tờ trình chính thức của Chính phủ về nội dung nêu trên.
Hiện nay, chưa có Tờ trình chính thức của Chính phủ về đề xuất nguồn để bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí dự toán hằng năm, nếu trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ngay thì chưa chặt chẽ.
Trường hợp Chính phủ có Tờ trình về nguồn vốn, cũng cần có cơ quan thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm đầy đủ quy trình, thủ tục
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi mong muốn được Quốc hội xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí nguồn ngân sách cho việc triển khai; Đồng thời, đề nghị Quốc hội thống nhất để Chính phủ có điều chỉnh, sử dụng nguồn vốn hợp lý để triển khai thực hiện, tránh để kéo dài dự án hoặc phát sinh khó khăn trong công tác điều hành và phân bổ vốn của địa phương.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, đây là việc chưa có tiền lệ. Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội ngày 24/11/2017 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tính đặc thù.
Về nguồn vốn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, sau khi bấm nút thông qua vốn đầu tư Công trung hạn 2021 – 2025 thì chưa kịp bổ sung nguồn vốn cho dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị bổ sung, điều chỉnh vốn đầu tư Công trung hạn 2021 – 2025.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu |
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, rà soát nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của năm nay, nếu còn thì có thể bổ sung thêm vào phần dự phòng chưa phân bổ của kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu nguồn này còn thì có thể xin phép Quốc hội cho bổ sung thêm vào danh mục để có nguồn vốn triển khai thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể bàn về các nội dung theo ý kiến của các Bộ ngành mà phải có Tờ trình chính thức của Chính phủ. Qua thảo luận cho thấy các ý kiến đều cơ ban nhất trí với việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án. Còn liên quan đến nguồn vốn bố trí cho dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể cho ý kiến khi chưa có Tờ trình của Chính phủ, trường hợp có Tờ trình của Chính phủ thì cơ quan của Quốc hội cũng phải thẩm tra.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu rõ nguyên nhân vì sao Chính phủ và các bộ ngành chưa có Tờ trình trình UBTVQH tại phiên họp này.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, các Bộ ngành hiện chưa tham mưu được cho Chính phủ lấy từ nguồn nào và cần phải thực hiện đúng theo quy trình, do đó hiện chưa có Tờ trình.
Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBTVQH cho phép Chính phủ có thêm thời gian hoàn thiện Tờ trình, đồng thời Chính phủ sẽ rà soát và cân nhắc lại nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 hoặc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024.