- Chủ tịch Quốc hội đề nghị bỏ quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, vì có thể làm tăng thêm chi phí cho người dân, nhất là nông dân.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban - vụ Quốc hội về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, vấn đề dòng chảy tối thiểu là vấn đề không chỉ là vấn đề thủy điện mà còn là vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ các dự án thủy điện khi chuyển nước từ sông này sang sông khác mà không đảm bảo dòng chảy tối thiểu…
Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cần phải quy rõ về dòng chảy tối thiểu, nhất là các sông hồ liên quan đến các dự án thủy điện lớn.
Liên quan đến nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cũng cần phải nghiên cứu tiếp. “Các công ty khai thác công trình thủy lợi cần tái sản xuất, cần vốn để hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết hiện nay các công trình của ta xuống cấp vì không có gì để tái sản xuất, nâng cấp kênh mương…. “Trong chừng mực chính sách thủy lợi, có nên nghiên cứu để kinh tế sản xuất nông nghiệp có đóng góp, nhằm nâng cao trách nhiệm của những người sử dụng nước?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu vấn đề.
Về vấn đề nước mặt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nên nghiên cứu đến các vùng nước nuôi tôm hoặc trồng thủy sản để đảm bảo toàn diện hơn.
Liên quan đến Điều 69, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, một số đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bỏ quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, vì có thể làm tăng thêm chi phí cho người dân, nhất là nông dân. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thuế sử dụng đất nông nghiệp đã ban hành từ lâu và có các nghị quyết miễn tiền sử dụng thuế sử dụng đất nông nghiệp, nếu quy định trong luật có mâu thuẫn với các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với sản xuất nông nghiệp hay không? Đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ nghiên cứu thêm.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến khoản 4 Điều 4, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi trong tích trữ nước, nhưng nội dung dự thảo chỉ thể hiện được ý khuyến khích.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan điểm cần có chính sách rõ ràng trong vấn đề này, vì nguồn nước đang ngày càng khan hiếm, nhu cầu sử dụng nước thì ngày càng tăng. Cho rằng quy định trong dự thảo luật chưa đủ sức nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi tích trữ nước để có đủ nước phục vụ hoạt động kinh doanh, sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Về khoản 9 Điều 52, các đại biểu đề nghị cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, để các thủ tục phải thật thuận tiện, nhưng báo cáo tiếp thu giải trình chưa đảm bảo được yêu cầu này. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy định liên quan đến các nội dung này.
Giải trình làm rõ một số vấn đề của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trong quá trình tiếp thu chỉnh lý luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp rất chặt chẽ. Qua các ý kiến, các nội dung giải trình đã được hai cơ quan tiếp thu vào trong dự thảo Luật này. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thống nhất các ý kiến như trong báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Về đề xuất của Chủ tịch Quốc hội kiến nghị bỏ thu tiền cấp nước khai thác tài nguyên đối với hoạt động khai thác nước mặt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc triển khai thực hiện thu thủy lợi phí này thì cần thực hiện theo lộ trình. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về quy mô. Vì trong tương lai có nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng lúa, sử dụng nhiều hệ thống trữ nước, khai thác nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt, sử dụng nguồn nước này rất lớn.
Bộ trưởng cũng hiểu rằng quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này là hướng dẫn đến người dân sản xuất nông nghiệp, từ thủy lợi phí, cho đến thuế… Vì vậy, Bộ sẽ rà soát lại, tránh sự hiểu nhầm là thu phí cả của người dân sản xuất nông nghiệp, không đúng với chính sách ưu đãi về phí, lệ phí, thuế…
Về xã hội hóa thu gom, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc xử lý nước thải trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã yêu cầu quy định. Do đó, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để cải tạo các dòng sông chết. Nếu Chủ tịch Quốc hội và UBTVQH đồng ý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn phục hồi các dòng sông chết vì Luật Bảo vệ môi trường chưa rõ các nội dung này, ưu tiên bổ sung nguồn lực để xử lý, từ đó Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ.