- Đại biểu đề nghị cân nhắc thêm đối với quy định tại khoản 3 Điều 51 giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ôtô.
Phát biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đại biểu đồng thuận với quy định về tuổi sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại Điều 51 của dự án luật.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc thêm đối với quy định tại khoản 3 Điều 51 giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ôtô.
“Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Giao thông vận tải và Thông tư số 11 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ quy định việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm đối với lái xe kinh doanh vận tải, lái xe kinh doanh có quy định khám sức khỏe đến hạn cấp, đổi bằng lái; với người lái xe môtô, xe máy quy định khám sức khỏe khi cấp bằng hoặc nâng hạng bằng lái.
Theo đại biểu, việc bổ sung các trường hợp khám sức khỏe định kỳ là cần thiết nhưng Ban soạn thảo cũng cần xem xét đến việc phải khoanh vùng cụ thể của đối tượng. Không thể áp dụng cho tất cả các lái xe khi tham gia giao thông, nhất là người lái xe khi điều khiển môtô, xe máy mà chỉ theo hướng tập trung vào các đối tượng.
“Ví dụ như lái xe là người cao tuổi, có thể quy định từ khoảng 60 tuổi trở lên. Lái xe ôtô vận tải, xe khách, đường dài, container và các phương tiện hạng nặng khác. Người lái xe có tiền sử bệnh nền theo quy định của Bộ Y tế, người nghiện ma túy và các chất gây nghiện khác….” Đại biểu nêu ý kiến.
Góp ý cho Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Bình Dương cũng kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng đối tượng áp dụng.
“Cử tri kiến nghị chỉ áp dụng đối với người lái xe kinh doanh vận tải mới khám sức khỏe định kỳ như quy định hiện hành tại Thông tư liên tịch số 24 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải thay vì áp dụng đối với toàn bộ người lái xe nhằm tránh lãng phí, phiền hà cho người dân.” – đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Dung nói.
Cũng liên quan đến vấn đề sức khỏe của người điểu khiển phương tiện, tại Điều 56 dự thảo đưa ra những cung giờ và thời gian tối đa mà các lái xe phải ngừng nghỉ để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo sự tỉnh táo trong điều khiển.
Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An), đây là một điều tốt và xu hướng của các nước trên thế giới cũng như vậy. Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2 quy định "thời gian phải ngừng nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục đối với tài xế taxi là 5 phút", đại biểu tỉnh Long An cho là không phù hợp.
“Việc ngừng nghỉ 5 phút này không có ý nghĩa gì, taxi thường lưu thông trong nội thành, nếu kẹt xe có khi đứng cả tiếng đồng hồ thì có được tính hay không? Hoặc chỉ cần xe dừng khi đèn đỏ và di chuyển khi hết đèn đỏ đến đèn xanh có khi đã mất hơn 5 phút, vậy có tính không? Do đó, tôi đề nghị lấy đánh giá về chuyên môn y tế để quy định thời gian bao nhiêu phải ngừng nghỉ, ngừng nghỉ trong bao lâu và đánh giá thực tiễn về giao thông đường bộ của nước ta để quy định cách thức ngừng nghỉ cho phù hợp và khả thi.” – đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu ý kiến.