- Nêu ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô liên quan đến việc di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, để đẩy nhanh quá trình thực hiện cần giao thêm thẩm quyền cho thành phố và các nội dung này phải được thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật.
Thảo luận ở Tổ Hà Nội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đóng góp ý kiến trực tiếp vào vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn (Điều 33), Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm;
Việc quy hoạch nông thôn của Hà Nội rất quan trọng khi tiến trình đô thị hóa nông thôn ngày càng lớn. Trong đó, cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội, với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề cần được lưu giữ và phát triển.
Cùng với đó, cần chú trọng phát triển du lịch với mục tiêu Hà Nội là điểm đến của du khách, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương và qua đó tăng ngân sách cho thành phố. Dù phát triển đô thị đến mấy cũng phải giữ được truyền thống văn hóa, không để đô thị hóa ảnh hưởng đến văn hóa nông thôn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng. |
Theo Điều 32 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về vấn đề phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, HĐND thành phố Hà Nội quy định chính sách đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, quan trọng, các công trình ngầm công cộng trên địa bàn Thủ đô. Chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác đường sắt đô thị, xe buýt, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện giao thông phát thải thấp.
Bày tỏ sự đồng tình với quy định về phân cấp một số thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, HĐND thành phố Hà Nội có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Thành phố cũng cần được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn một số vướng mắc trong thời gian qua, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, song hành cùng các quy định giao thẩm quyền về chủ trương, các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Về nội dung được các đại biểu đề cập đến như di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị, để đẩy nhanh quá trình thực hiện cần giao thêm thẩm quyền cho thành phố. Các nội dung này phải được thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật.
Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, sau khi trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được bổ sung các nội dung xung quanh 9 nhóm chính sách lớn, đặc biệt được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát.
Đóng góp vào chú trọng phát triển nông nghiệp khi đề cập đến sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Lan cho rằng, trong dự án Luật cần nêu bật được trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển của nông nghiệp các tỉnh khác.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai thì cho rằng, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có sự đột phá, đặc thù với Thủ đô Hà Nội. Theo đó, trong dự án Luật cần quy định những bước đột phá về chính sách xứng tầm, mang lại hiệu quả thực tế, thiết thực cho người dân. Mỗi chính sách mới cần có sự đánh giá đến đời sống người dân, mọi mặt của đời sống xã hội.
Liên quan đến tài chính ngân sách, chính sách đặc thù trong thực hiện các nguồn thu của Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc sử dụng nguồn chi thường xuyên còn dư cho cho phát triển các dự án, cải tạo, nâng cấp các công trình cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn.