- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay còn khoảng gần 1.000 tài sản công vẫn chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, tạo nên sự lãng phí…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn |
Tại phiên chất vấn sáng ngày 6/11, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho biết, thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua và sắp tới nhiều huyện, xã đã và sẽ được chia tách, sáp nhập. Một trong những vấn đề được quan tâm khi thực hiện chủ trương trên là việc sắp xếp và xử lý đối với trụ sở tài sản công của các đơn vị tại địa bàn sắp xếp đơn vị hành chính.
“Việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở còn bỏ trống gây lãng phí, trong khi còn nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương đang phải sử dụng chung nơi làm việc, nhiều trụ sở chật chội, xuống cấp và không đảm bảo điều kiện làm việc của cán bộ, công chức. Vì vậy, tôi xin Bộ trưởng cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này. Đồng thời Bộ Tài chính sẽ có giải pháp gì để giải quyết và có những giải pháp gì để giải quyết căn cơ về vấn đề này.” – đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quản lý tài sản công thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các cấp.
“Những loại tài sản công thuộc về cơ quan Trung ương quản lý như của các bộ, ngành, trách nhiệm thuộc Chính phủ mà cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chính phủ để quản lý tài sản công là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công của các bộ, ngành. Còn đa số tài sản công trực thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, khi sắp xếp các huyện và xã thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh.” Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ trưởng, hiện nay đã xử lý khoảng 90% tài sản công, còn khoảng 10% nữa (khoảng gần 1.000 tài sản công) vẫn chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang còn để lãng phí và bỏ không, tạo nên sự lãng phí.
Nói về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: thứ nhất, khi chuyển các tài sản công này cho các cơ quan, đơn vị thì nhiều cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau không có nhu cầu;
Thứ hai, khi muốn chuyển tài sản công, muốn định giá để bán tài sản công cũng khó để tìm được các cơ quan định giá và trong điều kiện trầm lắng cũng khó bán được tài sản công này.
Thứ ba, theo Bộ trưởng, chuyển tài sản công sang mục đích khác để tổ chức định giá thì những trụ sở này được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất quản lý của Nhà nước, của Bộ; UBND cấp xã, huyện, sang đất sản xuất kinh doanh hoặc không phải là đất ở, không phải đất để cho cả cơ quan Nhà nước, đất cho thuê hoặc giao đất, nếu như bán cho hộ gia đình, cá nhân theo dạng sử dụng ở chẳng hạn cũng phải chuyển mục đích sử dụng đất phải điều chỉnh lại quy hoạch và phải làm một loạt các thủ tục khác.
Nhấn mạnh “vì vậy, sẽ khó trong vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Giữa tháng 9 chúng tôi cũng đã có một hướng dẫn và có văn bản để đôn đốc. Sắp tới đây chúng tôi cũng sẽ làm việc với những đơn vị để hướng dẫn thêm để xử lý các tài sản công này đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.”
Sau phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng trả lời sâu về vấn đề mua lại, chuyển giao tài sản công.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, hình thức mua lại các tài sản tư để đưa về tài sản công, ví dụ như mua các trạm BOT hoặc mua các công trình của tư nhân chưa có trong thiết kế của Luật Quản lý tài sản công.
“Vì vậy, vừa rồi có 9 nhà đầu tư có đề nghị mua lại khi có thay đổi hướng tuyến thì chúng ta vẫn chưa xử lý được. Thẩm quyền xử lý việc này chỉ có Quốc hội vì Quốc hội là người ban hành luật thì có thể Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết, còn hiện nay hình thức này chưa có.
Trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ về việc VTC chuyển sang VOV, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: VTC là một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và sau khi giao về cho VOV quản lý thì VOV cũng là một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Trong đó xây dựng một số công trình có phần góp vốn của tư nhân và các doanh nghiệp khác hiện nay chưa được xử lý, chẳng hạn như tòa nhà của VTC hiện nay cũng chưa có phương án để xử lý. Chúng tôi cũng đã tổ chức họp nhiều lần và cũng đã tính đến việc cho một doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ tiềm năng về tài chính để mua lại phần này và trả nợ cho các doanh nghiệp góp vốn. Tuy nhiên sau khi tính toán thì thứ nhất là các đơn vị đấy cũng không có nhu cầu. Thứ hai là số tiền mua được cũng không đủ để trả nợ và do để lâu nên lãi suất của ngân hàng tăng lên. Vấn đề này hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo cho các bộ, ngành để xử lý nợ và liên quan đến các tài sản mà các dự án đã xây dựng hiện nay đang còn vướng mắc về nợ.
Vấn đề thứ hai, chẳng hạn như Công ty Trung Nam liên quan đến vấn đề xây dựng trạm biến áp. Ở các khu đô thị, các chủ đầu tư phải xây dựng trạm biến áp theo đúng quy định của luật quản lý điện. Khi điện lực EVN cho rằng nếu anh không bàn giao lại trạm này để cho EVN thì anh tự quản lý, sử dụng và quản lý, sử dụng thì anh phải thay thế thiết bị, anh phải có nhân lực. Nếu anh trả lại cho EVN thì trả bằng 0 đồng, chứ không thể bán được. Cho nên cái này cũng là một vấn đề chúng tôi cũng đã đặt ra trong tương lai để khi hoàn thiện pháp luật thì phải có giải pháp.”