Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Đang có sự nhầm lẫn trong giảm biên chế

0
0

 - “Nhiều địa phương khi thực hiện việc giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì lại cắt hẳn biên chế đi, cho nên thiếu số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà biết, trong giai đoạn vừa qua, chỉ tính riêng về việc tinh giản biên chế đối với công chức giai đoạn 2017-2021 đã giảm được 10,01% và đối với viên chức đã giảm được 11,67% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thông tin: Trong số viên chức giảm mà hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì ngành giáo dục chỉ giảm 6,4%, còn toàn ngành y tế là giảm 32%.

“Do thúc đẩy được tự chủ thì chuyển số biên chế đó sang hưởng lương tự chủ. Hai khái niệm này khác nhau. Tuy nhiên, thực tiễn giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương khi thực hiện việc giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì lại cắt hẳn biên chế đi, cho nên thiếu số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục. Riêng đối với ngành giáo dục thì có tính đặc thù, cho nên việc thiếu giáo viên thường xuyên đang diễn ra, đây là một vấn đề từ thực tiễn. Hiện nay khi chúng ta thực hiện giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với giáo dục đang rất khó khăn cho ngành giáo dục, vẫn đang bị nhầm lẫn với việc giảm biên chế.”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà để nghị thống nhất về mặt nhận thức, đó là đối với viên chức, phải tập trung một cách đồng bộ, quyết liệt để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo được số lượng người làm việc cho đơn vị sự nghiệp.

“Tức là chúng ta thúc đẩy tự chủ, thúc đẩy việc xã hội hóa để giảm được số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Đối với ngành giáo dục,  Bộ trưởng cho rằng phải tập trung rất cao cho việc hoàn thiện một số hệ thống thể chế: “Trước hết đó là Luật Giáo dục, tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên rà soát, xem xét lại và tới đây chúng ta có ban hành Luật Nhà giáo cũng là một điều kiện rất tốt để có những giải pháp để đảm bảo được những vấn đề cơ bản nhất cho việc đảm bảo đời sống, số lượng, chất lượng cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Thứ hai, khẩn trương sửa đổi Thông tư 06, Thông tư 11 về định mức giáo viên và học sinh trên lớp; sửa ngay Nghị định 81 để đảm bảo được việc thực hiện thu học phí cho tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non cho đến đại học; khẩn trương rà soát, có hướng dẫn để rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp cho phù hợp với từng địa bàn để giảm bớt đầu mối”

Bộ trưởng cũng mong muốn Bộ Tài chính tiếp tục rà soát lại cơ chế để thúc đẩy tự chủ, có cơ chế tự chủ, nhất là đối với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Bà Trà nhấn mạnh “đây là điều kiện để có thể giảm bớt được số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Đối với địa phương, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp, nhất là những trường liên cấp, liên xã ở những nơi có số lượng học sinh không lớn, những vùng nông thôn để đảm bảo được việc giảm đầu mối.

“Đối với địa phương thì chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy tự chủ, bởi vì không phải chờ tất cả thể chế đầy đủ chúng ta mới làm được vì thực tiễn bây giờ vẫn có thể thực hiện được.” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, việc thực hiện tự chủ đã đạt được những kết quả nhất định mặc dù vẫn còn có những khó khăn. Mục tiêu đặt ra đến năm 2021 cả nước phấn đấu có khoảng 10% đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 20% đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về tài chính và lại tiếp tục giảm 10% số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

“Từ chủ trương lớn của Đảng như vậy, chúng ta cần cố gắng tập trung thực hiện. Tuy nhiên, như các đại biểu sáng nay đã nêu, phía trước còn rất nhiều những khó khăn và vướng mắc; vướng mắc về thể chế đang phải tiếp tục hoàn thiện, vướng mắc về nhận thức và tư duy cho vấn đề tự chủ thì vẫn còn có những mặt hạn chế; về phương thức tổ chức đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ vẫn còn có những vướng mắc; về điều kiện và đời sống của người dân cùng chung tay thực hiện xã hội hóa, cũng như tự chủ các đơn vị sự nghiệp công nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng còn khó khăn.

Từ đó, vấn đề đặt ra là thực hiện tự chủ thì phải gắn chặt chẽ với chính sách xã hội, với an sinh xã hội, với phúc lợi xã hội. Đây là một quan điểm rất rõ của Đảng. Chúng ta giải quyết tốt các mối quan hệ lớn giữa đổi mới, ổn định, phát triển; giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, trên cơ sở xác định các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và điều kiện, khả năng, mức độ tự chủ của đơn vị để chúng ta xây dựng một lộ trình đẩy mạnh tự chủ, phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, từng địa bàn, từng lĩnh vực ngành, đặc biệt đối với dịch vụ công cơ bản và thiết yếu.

Thực hiện tự chủ phải đảm bảo theo lộ trình và gắn rất chặt chẽ với tiến bộ và công bằng xã hội, gắn rất chặt chẽ với việc đảm bảo cho xã hội cùng chăm lo cho phát triển về nhân tố con người, vừa đảm bảo Nhà nước chăm lo hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách và chúng ta đang hướng tới là xây dựng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Mất gần 1 tỷ đồng vì cài đặt phần mềm Bảo hiểm xã hội VssID “giả mạo”

(VnMedia) - Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã mạo danh cán bộ, nhân viên của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gọi điện hướng dẫn người dân Cài đặt phần mềm Bảo hiểm xã hội VssID “giả mạo”. Nhiều người do chủ quan đã sập bẫy và bị chiếm đoạt số tiền lớn khi cài đặt phần mềm giả mạo này.

VNPT miễn phí trải nghiệm bộ mở rộng vùng phủ Wifi Mesh

(VnMedia) - Từ ngày 1/7/2024, khách hàng sử dụng Internet VNPT sẽ được miễn phí trải nghiệm những dòng thiết bị mở rộng vùng phủ Wifi Mesh mới nhất của nhà mạng.

Các giải pháp ứng phó với tình trạng giá cả hàng hóa “nhảy múa” theo lương

(VnMedia) - Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt giải pháp nhằm ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh chính sách cải cách tiền lương đã có hiệu lực từ 1/7.

Tắt sóng 2G: Thuê bao VinaPhone sẽ không bị bỏ lại phía sau

(VnMedia) - Nhằm giúp khách hàng đảm bảo quyền lợi sử dụng và dễ dàng trải nghiệm các tiện ích số, VinaPhone dành nhiều ưu đãi và hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Bộ Y tế nỗ lực triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo tiến độ triển khai Đề án 06

(VnMedia) - Nhận thức rõ Đề án 06 góp phần quan trọng, tạo bước phát triển đột phá đối với chuyển đổi số quốc gia, Bộ Y tế đã tích cực tham gia, triển khai các hoạt động của Đề án gắn chặt chẽ với chuyển đổi số y tế, nỗ lực triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử...