Tại Việt Nam, sốt xuất huyết Dengue hiện đang là vấn đề y tế công cộng rất đáng quan tâm với số ca mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn trường hợp trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có số ca mắc cao trong cả nước.
Sốt xuất huyết là gánh nặng bệnh tật, gánh nặng cho hệ thống y tế và cũng là gánh nặng kinh tế lớn ở Việt Nam. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên, do sự biến đổi khí hậu, sự di biến động dân cư, mật độ dân số và tốc độ đô thị hóa gia tăng nên Tổ chức Y tế thế giới đánh giá tình hình sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp và dự báo tiếp tục gia tăng...
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị triển khai dự án "Xây dựng công cụ dự báo thân thiện với người dùng trong phòng chống sốt xuất huyết Dengue ở Việt Nam" do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cùng với Đại học Queensland (Australia) tổ chức vừa diễn ra ở Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và các đại biểu dự hội nghị triển khai dự án "Xây dựng công cụ dự báo thân thiện với người dùng trong phòng chống sốt xuất huyết Dengue ở Việt Nam". |
Thông tin tại hội nghị cũng cho biết, đến nay các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết Dengue vẫn là thách thức trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam trong đó có vấn đề dự báo dịch. Việc khó khăn trong công tác dự báo dịch đã làm hạn chế việc thực hiện phòng dịch sốt xuất huyết một cách chủ động ở tuyến cộng đồng.
Để khắc phục hạn chế này, trường Đại học Queensland nhận được kinh phí từ Quỹ Wellcome, Vương quốc Anh viện trợ cho Viện Vệ sinh dịch tễ TW thực hiện dự án "Xây dựng công cụ dự báo thân thiện với người dùng trong phòng chống sốt xuất huyết Dengue ở Việt Nam" và được Bộ Y tế phê duyệt theo quyết định số 2437/QĐ-BYT ngày 8/6/2023.
Bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính, dự án còn có sự hỗ trợ kỹ thuật của nhóm các nhà khoa học đến từ các trường đại học của Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam.
Mục tiêu chính của dự án nhằm xây dựng được công cụ dự báo sớm dịch sốt xuất huyết Dengue ở tuyến huyện/xã ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng phần mềm tích hợp trên điện thoại, máy tính, thuận tiện cho cán bộ y tế và người dân sử dụng giúp chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue và đánh giá hiệu quả trong phòng chống chủ động tại cộng đồng.
Cụ thể, tại 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Là nước có bệnh sốt xuất huyết Dengue lưu hành ở hầu hết các tỉnh/thành trong cả nước, Việt Nam nhận thức sâu sắc việc duy trì, cập nhật tiến bộ của khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống sốt xuất huyết Dengue không chỉ là nâng cao sức khỏe cho cộng đồng người dân Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh y tế toàn cầu."
Dự án này với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Quỹ Wellcome, Đại học Queensland và các chuyên gia của nhiều nước trên thế giới nhằm tìm ra mô hình dự báo sớm dịch bệnh sốt xuất huyết dengue để từ đó tăng cường các hoạt động phòng chống dịch chủ động nhằm đẩy lùi dịch bệnh, hướng tới một thế giới, một khu vực, một quốc gia/lãnh thổ, một cộng đồng Đồng bằng sông Cửu Long an toàn hơn về dịch bệnh góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng công cụ này sẽ thành công, được mở rộng ứng dụng cho các tỉnh khác và trong toàn bộ hệ thống y tế, đóng góp thực hiện mục tiêu làm giảm tỷ mắc và tử vong do sốt xuất huyết Dengue ở Việt Nam.
GS Deborah Terry AO - Phó hiệu trưởng và Chủ tịch của Đại học Queensland đã nhấn mạnh những cam kết hợp tác của Đại học Queensland với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và đánh giá cao sự hợp tác của Trường Đại học Queensland với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong việc xây dựng và triển khai dự án có ý nghĩa quan trọng này.
Cũng tại hội nghị, ông Mark Tattersall - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam trong bài phát biểu đã đánh giá cao những hoạt động hợp tác về y tế giữa chính phủ Australia và chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Y tế, các lãnh đạo phía Việt Nam và đoàn lãnh đạo cấp cao Đại học Queensland cũng như cảm ơn các nhà nghiên cứu khoa học đã và đang tham gia dự án.
Việc triển khai thực hiện dự án với mô hình cảnh báo sớm kỳ vọng sẽ giúp dự báo sớm và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo điều kiện quản lý hiệu quả các nguồn lực và ưu tiên nguồn lực trong dài hạn cho công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Trong thời hạn 5 năm triển khai dự án, mong đợi một mô hình dự báo dịch sớm được xây dựng và thử nghiệm thành công phòng chống dịch chủ động tại tuyến cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành y tế và người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, và xa hơn nữa được mở rộng áp dụng tại các địa phương trong cả nước và các nước trong khu vực.
Thống kê tình hình dịch bệnh trong tuần cho thấy tuần 41 cả nước ghi nhận 6.504 ca mắc sốt xuất huyết, không tử vong. So với tuần trước số mắc giảm 9,2%. Trong đó, số nhập viện là 4.863, so với tuần trước số nhập viện giảm 11%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 113.962 trường hợp mắc, 31 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 56,8%, tử vong giảm 97 trường hợp./.
Theo Sức khỏe đời sống
https://suckhoedoisong.vn/trien-khai-canh-bao-som-de-kiem-soat-hieu-qua-dich-sot-xuat-huyet-o-13-tinh-thanh-169231026144457467.htm