- Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, theo số liệu theo dõi, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa…
Ảnh: NLĐ |
Chiều 30/10, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ thông tin tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm cuối năm.
Tại buổi họp báo, trả lời nội dung về việc tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho 81.085 căn nhà ở thương mại trên địa bàn TP, Trưởng phòng Quản lý đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) Võ Công Lực cho biết: Qua quá trình thẩm định hồ sơ, các dự án trên vẫn còn một số vướng mắc như chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế; chậm nộp hồ sơ cấp; loại hình bất động sản mới; rà soát nghĩa vụ tài chính bổ sung; vướng mắc khác (đối tượng mua nhà, cấn trừ nghĩa vụ tài chính;…) hoặc dự án đang trong quá trình thanh tra, điều tra.
Để giải quyết các vướng mắc trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã tiến hành phân nhóm, phân loại. Đến thời điểm hiện tại, Văn phòng Đăng ký đất đai TP đã cấp 17.300 sổ hồng/tổng số 81.085 căn. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã chuyển 7.000 hồ sơ đến các cơ quan thuế để xác nhận nghĩa vụ tài chính làm cơ sở cấp sổ hồng trong thời gian tới.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã liên tục tổ chức làm việc với cơ quan thuế, chủ đầu tư dự án và đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở sẽ tham mưu thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng, đáp ứng quyền lợi chính đáng của người mua nhà.
Liên quan đến tiến độ giải quyết các về tiến độ xây dựng các công trình giảm ngập nước trên địa bàn thành phố, ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, theo số liệu theo dõi, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa.
Cụ thể: TP Thủ Đức có Quốc Lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng; quận Gò Vấp có đường Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Lê Đức Thọ, Quang Trung; quận Tân Phú có đường Phan Anh; quận Bình Tân có đường Hồ Học Lãm; quận Bình Thạnh có đường Bạch Đằng.
Ông Đỗ Tấn Long thông tin, để từng bước khắc phục tình trạng ngập nước trên các tuyến đường, UBND Thành phố đã ban hành ”Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030”; “Kế hoạch Chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2021-2025”.
Trong đó, thực hiện các dự án để giải quyết 18 tuyến đường trục chính còn bị ngập. Các tuyến đường ngập được phân kỳ đầu tư cụ thể trong giai đoạn 2020-2025 và sau năm 2025; đồng thời, giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các Ban quản lý dự án chuyên ngành cụ thể để triển khai thực hiện.
Cũng theo ông Đỗ Tấn Long, từ năm 2020 đến nay, các Ban Quản lý dự án chuyên ngành đã hoàn thành 5 tuyến đường gồm: Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát, Nguyễn Hữu Cảnh. Các tuyến đường còn lại (13 tuyến đường) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Trả lời thông tin tại buổi họp báo về vấn đề giải ngân đầu tư công, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, cho biết năm 2023, TPHCM được giao giải ngân hơn 68.000 tỉ đồng. Đến nay, TP mới giải ngân 24.199 tỉ vốn đầu tư công, đạt 35% kế hoạch. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, kết quả này đứng thứ 3 trong tỉnh, thành phố, bộ, ngành về con số tuyệt đối nhưng vẫn còn xa so với kế hoạch đề ra.
Vừa qua, tại hai kỳ họp chuyên đề, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu hơn 300 dự án.
Bên cạnh đó, HĐND TP cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến bố trí vốn đầu tư công năm 2024 của TP là 55.000 tỉ đồng.
Các sở ngành TP đang phối hợp với các chủ đầu tư triển khai các thủ tục quyết định đầu tư để các dự án đủ cơ sở pháp lý bố trí vốn ngay trong quý I năm 2024. UBND TP đã bổ sung vốn cân đối và vốn bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện và TP Thủ Đức để các đơn vị chủ động hơn trong kế hoạch đầu tư công của địa phương.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về cam kết giải ngân đầu tư công của các quận huyện, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn cho biết đến ngày 28/10, đã có 18/22 địa phương cam kết giải ngân từ 95% trở lên. 4 địa phương còn lại gồm Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, TP Thủ Đức cam kết giải ngân 80-95%. Trong đó các đơn vị cũng có đề xuất kế hoạch.