- Vừa qua, Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Tọa đàm “Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học” nhằm thảo luận, chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục đại học.
ChatGPT - Chatbot trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển đã có tốc độ phát triển nhanh chóng và được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, vai trò của AI và ChatGPT trong giáo dục đại học vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Để đưa ra góc nhìn đa chiều hơn về các cơ hội, thách thức và tiềm năng của ChatGPT và tác động của AI đối với giáo dục đại học, Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm “Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học” nhân kỷ niệm 20 năm thành lập. Đây là dịp để các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục đại học.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng cho biết, AI-GPT hay ChatGPT đang trở thành mối quan tâm đặc biệt trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Trên thực tế, AI-GPT đã vượt qua những hạn định về một giải pháp công nghệ, nó đã và đang tạo ra các tác động trong lĩnh vực giáo dục.
ChatGPT - Chatbot trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển đã có tốc độ phát triển nhanh chóng và được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, vai trò của nó trong giáo dục đại học vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Trong khi một số người coi AI như một công cụ để nâng cao việc học và giảm bớt khối lượng công việc, thì những người khác lại coi AI và ChatGPT là mối đe dọa đối với tính chính trực, bảo mật thông tin hay tiếp tay cho gian lận và đạo văn.
Toạ đàm “Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học” được tổ chức với mục tiêu giúp mọi người nhận thức rõ hơn cơ hội, tiềm năng của Chat GPT, AI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở bậc đại học, cũng như những mặt trái chúng có thể đem lại. Từ đó, chủ động phát huy tối đa mặt tích cực của AI và ChatGPT trong giáo dục đại học. “Chúng tôi mong muốn sau chương trình Toạ đàm này, mọi người từ người học, người dạy tới những người quản lý giáo dục đại học sẽ nhìn nhận rõ hơn để phát huy tối đa vai trò của AI cũng như Chat GPT. Đặc biệt, với những người vận hành, quản trị các cơ sở giáo dục đại học, chúng ta phải làm sao cùng với đội ngũ giáo viên đưa ra những công cụ hướng dẫn, những cách thức để một mặt vẫn tận dụng tối đa AI và Chat GPT, mặt khác cũng có những cách thức đánh giá, kiểm soát, đảm bảo tính liêm chính học thuật, chống các hiện tượng gian dối trong suốt quá trình học tập, giảng dạy, thi cử.
Tại chương trình, các diễn giả đã trình bày những tham luận đóng góp rất nhiều thông tin giá trị như “AI, Dữ liệu và Công nghệ trợ lý ảo trong giáo dục đại học”; “Ảnh hưởng của AI đối với giáo dục và đào tạo tại các trường đại học”; “AI trong giáo dục đại học: Thách thức, cơ hội và tiềm năng”; “Chuyển đổi giáo dục: Cuộc cách mạng AI sáng tạo”; “AI và ứng dụng AI tại ĐH Koblenz, CHLB Đức”. Các bài tham luận và chia sẻ tại tọa đàm xoay quanh vai trò, ảnh hưởng của AI/ChatGPT đối với giáo dục đại học cũng như cách thức mà các trường có thể khai thác tiềm năng và ứng dụng AI/Chat GPT một cách có ý nghĩa. Theo chia sẻ của các diễn giả, ứng dụng AI/ChatGPT có thể mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục đại học, từ các mô hình, bài học thực tiễn ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp. AI/ChatGPT giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn, hỗ trợ giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu, trợ giúp các cơ sở giáo dục trong việc quản lý và vận hành. Tuy nhiên, thách thức mà AI và ChatGPT tạo nên cũng khiến cho các cơ sở giáo dục, các nhà quản lý cần suy nghĩ để có biện pháp hạn chế mối đe dọa về liêm chính trong học thuật, bảo mật dữ liệu hay hành vi gian lận, đạo văn.