Thanh niên VNPT đồng hành chuyển đổi số và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong chuyển đổi số

0
0

 - Sự xuất hiện của thế hệ trẻ trong cuộc Cách mạng 4.0, nhất là với phong trào Tuổi trẻ tiên phong trong chuyển đổi số đã góp phần rất lớn trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường tốt trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ trẻ. Bác căn dặn thanh niên “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Thật vậy, dù bất cứ ở đâu, bất cứ việc gì, tuổi trẻ Việt Nam luôn là lực lượng hùng hậu, xung kích, sáng tạo, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước. Thanh niên VNPT đã thực hiện hàng chục chương trình, công trình ý nghĩa được phát động và hưởng ứng rộng khắp như Xây dựng nền tảng cửa khẩu số triển khai dưới dạng dịch vụ, Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc nhận diện khuôn mặt chuẩn Quốc tế ICAO và xác thực thông tin căn cước công dân phục vụ việc cấp hộ chiếu, Xây dựng và tích hợp hệ thống Báo cáo động Dreport và hệ thống cửa khẩu số, Hệ thống trợ lý ảo iSee, Tối ưu hệ thống truyền dẫn tại IDC miền Bắc;….

Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là xu thế tất yếu trong bối cảnh thông tin bùng nổ và sự phát triển vượt bậc của các phương tiện công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó, cần chú trọng đến bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nhận thức rõ những thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số để có những giải pháp hiệu quả nhằm tận dụng các lợi thế và vượt qua các thách thức, đưa đất nước phát triển ổn định và bền vững.

 

Chuyển đổi số - những thách thức đặt ra

Hiện nay, chuyển đổi số đã có tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương nhanh chóng đón nhận và bắt kịp để tạo ra cơ hội, lợi thế cạnh tranh cũng như sự lớn mạnh của đất nước trong tương lai. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Báo cáo Chính trị về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 đã xác định rõ mục tiêu cấp bách đẩy nhanh quá trình CĐS. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, nêu rõ chủ trương xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia không chỉ dừng lại ở mức độ nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, kinh tế số chiếm 30% GDP, gia tăng tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực mà quan trọng hơn là đưa Việt Nam trở thành 1 trong 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng. Tính đến tháng 01/2020, nước ta có 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) sử dụng Internet (đứng 12 trên thế giới và thứ 6 châu Á), 65 triệu người sử dụng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook (đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất), trong đó, đa số là thanh niên, trí thức trẻ.

Bên cạnh tiện ích không thể phủ nhận, cần phải thấy rằng thông tin trên mạng xã hội như hình ảnh, bài đăng, clip, cuộc trò chuyện,... đều có thể tác động đến sự thật, lòng tin, hành vi và cuộc sống của mỗi cá nhân. Mọi tìm kiếm đều có sẵn trên Internet, trong đó, không thiếu những thông tin xấu, độc hại, xuyên tạc. Nhu cầu truy cập, tìm kiếm mỗi ngày càng lớn, sự kết nối với cuộc sống thực, với mọi người xung quanh ngày càng giảm, dẫn đến khả năng nhận biết và sàng lọc thông tin bị hạn chế, điều này tạo cơ hội cho các tổ chức, thế lực thù địch lợi dụng tấn công vào an ninh tư tưởng, làm suy yếu niềm tin của nhân dân theo nhiều cách khác nhau và dễ dàng hơn.

Cảnh giác trước các thủ đoạn chống phá

Tận dụng ưu thế của không gian mạng, các phương tiện truyền thông cũng như các đặc điểm về người dùng của nước ta, các thế lực thù địch xác định đây là địa hạt quan trọng cần có sự chuẩn bị tài chính và công nghệ. Trong khi đó, một số nơi, lực lượng và cơ sở vật chất của chúng ta còn non yếu, nhiều cán bộ, đảng viên thiếu ý thức, trách nhiệm trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc nên các thế lực thù địch đã đẩy mạnh sử dụng hàng loạt website, thư điện tử, Zalo, Messenger, các đài phát thanh tiếng Việt,... để tung lên những ấn phẩm, tin tức xấu, độc, hình ảnh “giật gân” từ các trang tin nước ngoài ngụy tạo thành hình ảnh trong nước chèn vào các nội dung xuyên tạc nhằm mục đích làm suy giảm niềm tin, gây chia rẽ nội bộ, làm mất ổn định chính trị và an ninh tư tưởng ở đất nước ta.

Những thủ đoạn của chúng ngày càng diễn ra tinh vi và phức tạp nhằm phủ nhận học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng còn ra sức phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, công kích đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, chúng lợi dụng kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm để xuyên tạc, vu khống là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, “trả thù cá nhân”. Ngoài ra, chúng bịa đặt đưa ra những sai trái về đời tư, tình trạng sức khỏe, nhân phẩm, trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên để gây hoang mang, nghi ngại trong nhân dân.

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay và đó là trọng trách đặc biệt dành cho thế hệ trẻ

Nhận diện và đấu tranh với những thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng các phương tiện kỹ thuật số để tấn công phá hoại đất nước, gây bất ổn chính trị là một là nhiệm vụ quan trọng của thanh niên và sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Sau đây có 03 nhiệm vụ đã được triển khai tại Chi bộ và Đoàn thanh niên nơi tôi đang công tác, tương ứng từng nhiệm vụ có nhiều hoạt động đã mang lại những hiệu quả thiết thực, bao gồm:

Thứ nhất, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên phải có ý thức tự rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững niềm tin vào con đường đi lên CNXH và sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn nêu cao tinh thần nêu gương trong cuộc chiến chống lại quan điểm sai trái, thù địch, chủ động phản bác lại các thông tin xấu, độc; đóng vai trò tiên phong, lan tỏa những thông tin tích cực, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Các hoạt động chính của đơn vị:

• Tạo các kênh truyền thông nội bộ phù hợp với các bạn trẻ như kênh tiktok, fanpage, youtube lan tỏa những thông tin tích cực, những hình ảnh, tấm gương lao động, các hoạt động xã hội,…

• Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để giảm sự nhàm chán trong cuộc họp chi bộ định kỳ tháng, trước khi bắt đầu họp, các đảng viên được nghe 1 chuyên đề về Bác, về các bài học tư tưởng của Bác, về những câu chuyện hay, …được trình bày trong 10 phút, sau đó các đảng viên cùng trao đổi tích cực về chuyên đề để cùng nhau rút được những bài học từ chuyên đề và áp dụng cho bản thân mỗi đảng viên. Trong cuộc họp định kỳ các đảng viên cùng nhau đóng góp, tháo gỡ những khó khăn để tổ chức Đảng, cũng như hoạt động chuyên môn được thuận lợi, hoàn thiện và vững mạnh hơn.

• Chi bộ và Đoàn Thanh Niên phối hợp tổ chức các hoạt động sinh hoạt về nguồn, các câu hỏi tìm hiểu về Đảng, về Nghị quyết, và cả về những mục tiêu sản xuất kinh doanh của đơn vị được lồng vào trong các cuộc thi nho nhỏ để các đảng viên, đoàn viên và quần chúng có thể nắm rõ, hiểu rõ hơn.

Thứ hai, xây dựng và nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước với sự nghiệp phát triển đất nước. Cần nhận thức và xác định chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, vừa tạo ra cơ hội, thách thức cho đất nước, vừa bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững an ninh tư tưởng, kịp thời ngăn chặn các nguy cơ xâm phạm đến nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như quyền riêng tư của mỗi người dân là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và trong công cuộc CĐS, người dân đóng vai trò trung tâm.

Các hoạt động chính của đơn vị

• Triển khai thực hiện Nghị quyết 318-NQ/ĐUVNPT-IT ngày 31/3/2023 Nghị quyết của BCH đảng bộ Công ty về Phát triển hệ sinh thái chính phủ số, chính quyền số giai đoạn 2023-2025.

• Phát động Đoàn thanh niên thực hiện các công trình thanh niên liên quan chuyển đổi số và thực hiện khen thưởng cho các công trình thanh niên tiêu biểu.

Thứ ba, tăng cường quản lý không gian mạng xã hội, kịp thời phát hiện, xác định các thông tin sai lệch, xuyên tạc, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, gỡ bỏ. Phát huy tối đa lợi thế công nghệ thông tin và mạng lưới báo chí chính thống, chủ động đưa tin kịp thời nhằm phản biện thông tin sai lệch, xấu, độc, góp phần định hướng dư luận xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng, tâm trạng xã hội qua các fanpage, group, blog...; đồng thời, xây dựng các trang Facebook, Twitter, Zalo với những thông tin đề cao tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái", người tốt, việc tốt, lan tỏa những nhân tố tốt đẹp, góp phần loại bỏ thông tin xấu, độc, bóp méo, xuyên tạc sự thật.

Các hoạt động chính của đơn vị: Triển khai Văn bản số 307/ĐUVNPT IT của Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty VNPT-IT ngày 23/03/2023 về việc “Cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội”.

Nội dung triển khai chính bao gồm:

• Quy định Cán bộ, Đảng viên thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet và mạng xã hội. Phải khai báo thông tin chính danh khi thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân, ưu tiên sử dụng tên miền “.vn”, tên Tiếng Việt khi thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân. Phải kịp thời hủy bỏ các trang thông tin không còn sử dụng.

• Báo cáo đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến trang thông tin điện tử cá nhân đang sử dụng khi có yêu cầu của cấp ủy, cơ quan chức năng có thẩm quyền.

• Chủ động sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân mình để tuyên truyền, lan tỏa thông tin có nguồn gốc chính thống, tích cực; đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch.

• Chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp, phát tán trên trang của mình. Chủ động đính chính thông tin, gỡ bỏ, ngăn chận truy cập các bình luận tiêu cực, sai sự thật hoặc gây hiểu nhầm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không tham gia bình luận tiêu cực, sai trái tại các trang mà mình tương tác.

Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu trong bối cảnh thông tin bùng nổ và sự phát triển vượt bậc của các phương tiện công nghệ hiện đại, chúng ta tin tưởng rằng, tuổi trẻ VNPT sẽ kế thừa xuất sắc và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu của các thế hệ cha anh đi trước để tiếp tục xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh, xứng đáng là đội hậu bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của nhân dân.

Phan Thị Ngọc Yến


Ý kiến bạn đọc


Các giải pháp đảm bảo cung cấp điện 6 tháng cuối năm 2024

(VnMedia) - Để đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện Quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng còn lại của năm 2024, Cục Điều tiết Điện lực đã đưa ra 4 nhóm giải pháp.

Ứng dụng phổ biến trên iOS/Android bị hack, hàng triệu số điện thoại di động bị đánh cắp

(VnMedia) - Được thiết kế để giúp người dùng đưa ra yêu cầu xác thực hai yếu tố (2FA) dễ dàng hơn khi đăng nhập vào một ứng dụng, tuy nhiên ứng dụng Authy của Twilio dành cho cả hệ điều hành iOS và Android lại bị tin tặc xâm nhập bất hợp pháp...

Nhiều người vẫn "sập bẫy" làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng online

(VnMedia) - Dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị lừa bởi chiêu trò làm cộng tác viên online kiếm tiền trên mạng. Đa phần đó là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu kiếm thêm thu nhập...

Giá vàng thế giới liên tục trồi sụt, vàng nhẫn tăng lên mức cao 

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (5/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York lại đảo chiều đi xuống. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục tăng vượt xa mức 76 triệu đồng/lượng.

Công nghệ vận hành đứng trước nguy cơ gia tăng đe dọa tấn công mạng

(VnMedia) - Gần một phần ba (31%) các tổ chức công nghệ vận hành (OT) ghi nhận hơn 6 vụ xâm nhập trong năm ngoái, tăng 11% so với năm trước…