- Sở Y tế và Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình truyền thông tư vấn "Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung năm 2023".
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND Thành phố về tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025 giao Hội Liên hiệp phụ nữ và Sở Y tế Hà Nội là cơ quan thường trực tham mưu tổ chức triển khai các hoạt động. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100.750 phụ nữ độ tuổi từ 35 - 60 tuổi được khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
Theo đó, năm 2022, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tổ chức 18 buổi tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ y tế; tổ chức phát 60.000 tờ gấp tìm hiểu về bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung tới cộng đồng; tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu kiến thức phòng chống ung thư vú, ung thư cổ tử cung", góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ.
Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ chị em phụ nữ chưa chủ động trong việc khám sàng lọc bệnh vẫn cao, dẫn tới phát hiện bệnh muộn; nhiều chị em chịu di chứng nặng nề về sức khỏe, từ đó ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và tạo gánh nặng y tế cho xã hội. Do đó, chiến dịch truyền thông, tư vấn kiến thức phòng, chống ung thư vú, ung thư cổ tử cung được triển khai để thông tin kịp thời tới cộng đồng, cùng chung tay xây dựng một xã hội khỏe mạnh.
Tại chương trình, cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân được đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ung thư vú, ung thư cổ tử cung; tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung…
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu, tại Việt Nam (năm 2020), mỗi năm có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, với 9.345 ca tử vong. Trong đó, có tới 27,6% trường hợp ung thư vú phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3,4); tỷ lệ tái phát chiếm 30%.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 và là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nữ giới. Trung bình mỗi năm tại Việt Nam có trên 5.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có khoảng 2.400 phụ nữ tử vong. Nguyên nhân chính của các tình trạng này là do phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ.
Theo các chuyên gia, ung thư vú và ung thư cổ tử cung là căn bệnh có tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao, chi phí điều trị thấp. Chính vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao là rất quan trọng.