- Theo Bộ Quốc phòng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng còn tồn tại những vướng mắc, bất cập.
Bộ Quốc phòng đang tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo đề nghị xây dựng Pháp lệnh về giữ gìn lâu dài thi hài và quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hiện Quyết định số 403/QĐ-BQP ngày 03/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (gọi tắt là Pháp lệnh).
Theo Báo cáo của Bộ Quốc phòng, giai đoạn từ năm 1969 đến 1991, cùng với sự hướng dẫn và giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia Liên Xô trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và duy trì, vận hành hệ thống trang thiết bị công trình Lăng; Đảng, Nhà nước, Quân đội đã lãnh đạo chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị chức năng không ngừng tự chủ, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành các công trình kỹ thuật để thực hiện công tác y tế giai đoạn ban đầu, giữ gìn thi hài Bác trong những năm tháng chiến tranh; triển khai nhiều giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại để đáp ứng các yêu cầu về bảo quản thi hài Bác trong điều kiện phức tạp của khí hậu, địa hình, phương thức di chuyển và bảo quản thời chiến.
Giai đoạn từ sau 1991 đến nay, toàn bộ chuyên gia Liên Xô về nước, nguồn viện trợ vật tư kỹ thuật không còn, các thiết bị kỹ thuật công trình Lăng qua nhiều năm khai thác đã xuống cấp, công nghệ đã bắt đầu lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.
Với phương châm “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để tăng niên hạn sử dụng; Mặt khác, từng bước thay thế các thiết bị cũ bằng những thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu tự động hóa, năm 1994 đã tự chủ trong làm thuốc thường xuyên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Năm 2004 đã pha chế dung dịch tại Hà Nội; Năm 2018 đã sản xuất thành công bộ quần áo đặc biệt phục vụ giữ gìn thi hài Bác, khẳng định từng bước làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn quá trình bảo quản, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Bộ Quốc phòng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng còn tồn tại những vướng mắc, bất cập.
Theo đó, công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, quá trình thực hiện sẽ tác động ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, mà theo quy định của pháp luật là phải do Quốc hội quy định hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định, như việc hạn chế trong xây dựng công trình, việc quay phim, chụp ảnh, đi lại, mang mặc… trong khu vực, phạm vi quản lý của công trình Lăng hoặc khi tham gia các hoạt động tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng theo Bộ Quốc phòng, bảo quản, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình khoa học đặc biệt; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật đặc thù, nhiều thiết bị đơn chiếc, sản xuất theo đặt hàng, không có thiết bị, tài sản tương tự để đối chiếu, so sánh về định mức kinh tế - kỹ thuật. Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù trong đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ bảo quản thi hài và mua sắm, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị công trình Lăng.
Cùng với đó, công tác chăm sóc, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng phải đồng thời đáp ứng yêu cầu hai nhiệm vụ đặc việt quan trọng là vừa đảm bảo giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và an ninh, an toàn tuyệt đối công trình Lăng, vừa phải đảm bảo phục vụ chu đáo nhân dân, khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan công trình Lăng.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chăm sóc, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như quy định đặc thù, riêng biệt để đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, cũng như nhiệm vụ phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa của công trình Lăng.
Trong khi đó, chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại Ban Quản lý Lăng chưa đảm bảo công bằng giữa các lực lượng vũ trang và lực lượng công chức, viên chức, mặc dù có cùng tính chất nhiệm vụ (Hiện nay, Nhà nước đã có quy định người làm công tác cơ yếu không phỉ là quân nhân cũng được hưởng chế độ như với quân nhân.)
Mặc khác, nhiều cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Lăng được đào tạo chuyên sâu theo chuyên ngành hẹp, đặc thù chỉ có thể được áp dụng trong công tác giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải có chế độ ưu đãi để giữ gìn, thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn sâu.
Từ những lý do trên, Bộ Quốc phòng cho rằng, việc xây dựng Pháp lệnh Giữ gìn lâu dài, bảo vê tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng để phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ; phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới là cần thiết.
Toàn văn dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh bao gồm: Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Pháp lệnh; Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Pháp lệnh; Dự thảo Đề cương Pháp lệnh.
Thời gian lấy ý kiến đóng góp là 30 ngày tính từ ngày 28/9/2023.
Các ý kiến tham gia đóng góp xin gửi về Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, địa chỉ: Số 1 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, Email: thanhdongvp969@gmail.com hoặc gửi về Bộ Quốc phòng qua Email: info@mod.gov.vn.