Hội Khuyến học Việt Nam: Thắp sáng ngọn lửa khuyến học trong kỷ nguyên số

0
0

 - Với sứ mệnh cao cả là phục vụ lợi ích, tạo cơ hội, sự bình đẳng trong học tập cho tất cả các đối tượng trong xã hội, từ người khuyết tật, người nghèo đến người giàu, từ người già đến trẻ nhỏ..., Hội Khuyến học Việt Nam đã góp phần quan trọng xây dựng nên xã hội học tập, thúc đẩy tinh thần tự học, học tập suốt đời để phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi số.

Từ một chủ trương hợp lòng dân

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: Hội ra đời trong bối cảnh sự nghiệp giáo dục của đất nước đang gặp nhiều khó khăn do quá trình đổi mới.

Theo sáng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng bấy giờ, cần có một tổ chức hội để góp phần chấn hưng giáo dục nước nhà, làm thế nào để tạo thêm điều kiện để tất cả mọi người có cơ hội được học.

Từ sáng kiến đó, Tháng 6/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 122/TTg về thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và đến ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam chính thức ra mắt quốc dân đồng bào. Sự ra mắt toàn dân về một tổ chức Hội có tính chất thúc đẩy sự học của toàn dân tạo không khí phấn khởi không chỉ cho những người đam mê với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, còn mang lại một niềm hân hoan, phấn khởi cho tất cả đối tượng, đặc biệt là người nghèo.

Sứ mệnh cao cả của Hội Khuyến học Việt Nam không như các hội khác, không có mục đích tự thân, không chỉ vì quyền lợi của Hội mình mà phục vụ lợi ích, tạo cơ hội, sự bình đẳng trong học tập cho tất cả các đối tượng trong xã hội, từ người khuyết tật, người nghèo đến người giàu, từ người già đến trẻ nhỏ...

Từ việc tạo ra một chủ trương hợp với lòng dân, Hội được nhân dân ủng hộ và tham gia hết sức nhiệt tình. Phong trào khuyến học, khuyến tài nhanh chóng lan rộng trong toàn quốc, thâm nhập tới mọi cộng đồng dân cư, khuyến học, khuyến tài được cán bộ, nhân dân đồng lòng hưởng ứng; xã hội học tập trở thành mô hình giáo dục tất yếu phải xây dựng như việc xây dựng con đường tri thức đưa dân tộc Việt Nam phát triển vươn ra  quốc tế và hướng tới tương lai. Vì thế, ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, lấy ngày 2/10 hàng năm làm “Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đồng thời tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, trong 15 năm qua, ngày 2/10 trở thành một sự kiện mang ý nghĩa kép: Đánh dấu sự ra đời của một Hội quần chúng không có mục đích tự thân mà chỉ có nhiệm vụ liên kết, phối hợp thúc đẩy toàn dân học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, cùng toàn dân đưa Việt Nam trở thành một quốc gia học tập và kỷ niệm ngày khởi đầu cho sự học tập suốt đời nên mới có "Tuần lễ học tập suốt đời". Theo thời gian, dấu ấn ngày 2/10 càng đậm nét bởi những thành công trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan phát biểu trong buổi gặp mặt kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008-2/10/2023)
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan phát biểu trong buổi gặp mặt kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008-2/10/2023)

Đến dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp giáo dục đào tạo

Kể từ ngày thành lập đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã tạo dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, hình thành nên cấu trúc xã hội học tập ở Việt Nam thông qua đề tài khoa học cấp nhà nước do Hội chủ trì bảo vệ thành công. Từ đó, là “kim chỉ nam” để các chỉ thị tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, Chính quyền về công tác xã hội học tập sau này.

Hội đã tham mưu thành công cho Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và từ Chỉ thị 11, Hội đã đưa được vào nhiều nội dung về công tác khuyến tài, khuyến học để Đảng đưa ra những chủ trương, chính sách, hướng đi cho Hội. Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư ra Kết luận số 49-KL/TW về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đây chính là một sự chuyển biến về chất đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với công tác của Hội trong việc xây dựng xã hội học tập.

Hội đã đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy, phương pháp điều hành, triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Điều đó được thể hiện qua việc làm thế nào để nâng cao nhận thức cho các tổ chức Đảng, đảng viên và toàn bộ người dân trong xã hội biết rằng học là con đường duy nhất để có thể thành công ở bất cứ vị trí nào. Bởi trong giai đoạn hiện nay, không phải ai cũng quan tâm đến sự học mặc dù đã có Kết luận số 49.

Hội Khuyến học Việt Nam đã tập hợp được các tổ chức chính trị xã hội, tập hợp được quần chúng cùng tham gia làm khuyến học, khuyến tài. Với hơn 26 triệu hội viên, chiếm gần 28% dân số cả nước, Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức có số lượng hội viên lớn nhất trên cả nước. Tổ chức Hội đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn, các thôn, ấp đều có các chi hội Khuyến học và Ban Khuyến học. Đến nay, 2/3 các trường Đại học, phổ thông đều có Ban Khuyến học, kho tư liệu, thư việc tài nguyên giáo dục mở, thông qua đó, Hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về vai trò của các trường đại học đối với khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hội Khuyến học đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, như: Ký kết phối hợp với 14 ban, bộ, ngành Trung ương để tạo ra một lực lượng làm công tác xã hội đồng bộ, hiệu quả trong giáo dục, huy động các lực lượng cùng tham gia; tổ chức sinh hoạt tư tưởng, nghiên cứu khoa học trong nội bộ các cấp Hội từ Trung ương tới địa phương về một chủ đề nào đó vào mỗi dịp 19/5 hằng năm theo lời dạy của Bác Hồ.

Quỹ khuyến học, khuyến tài của các cấp hội phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở theo đúng tôn chỉ, đúng mục đích, quản lý có hiệu quả. Có thể nói rằng, việc hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôn vinh những người vượt khó học giỏi, tôn vinh những em học sinh hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, các thầy cô giáo vươn lên duy trì giảng dạy… góp phần tích cực hỗ trợ công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường. Ví dụ: Hội có Quỹ Khuyến học Việt Nam theo lời Bác Hồ dạy “Học không bao giờ cùng” trao cho cả người lớn và trẻ em vào mỗi dịp 19/5 hằng năm. Học bổng này đã thúc đẩy được sự học trên toàn quốc. Đây được xem là một thương hiệu của Hội Khuyến học Việt Nam.

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT - trao giải Nhất cho nhóm tác giả tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt lần thứ 16

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt – Thương hiệu của Hội Khuyến học Việt Nam góp phần vào hành trình chuyển đổi số quốc gia

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được Hội Khuyến học Việt Nam từ năm 2005, đến nay giải thưởng đã bước sang năm thứ 18, trở thành giải thưởng uy tín mang tầm quốc gia, phát hiện và tôn vinh hàng tram nhân tài cho đất nước trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, y dược, môi trường, khuyến học – tự học thành tài. 

Đặc biệt, Nhân tài Đất Việt đã trở thành một bệ phóng vững chắc cho những tài năng công nghệ Việt Nam với những sản phẩm công nghệ có giá trị khoa học và giá trị ứng dụng thực tiễn cao, thành danh không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế. Việc phát hiện, tôn vinh và đưa những ứng dụng công nghệ vào đời sống xã hội trong suốt 18 năm qua là một sự đóng góp bền bỉ, thành công và mang đậm dấu ấn của Hội Khuyến học đối với tiến trình số hóa, xây dựng quốc gia số, kinh tế số, góp phần đắc lực vào sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia.

Để tiếp nối những thành công đã đạt được, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam liên kết, phối hợp với các bộ, ban, ngành: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh xã hội, Liên hiệp các hội khoa học Việt nam và các đơn vị liên quan, đặc biệt với sự hỗ trợ hiệu quả và dấu ấn đậm nét của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong 18 năm qua. 

Năm 2023, Giải thưởng tiếp tục được tổ chức với chủ đề “Tôn vinh tài năng – Khơi nguồn sáng tạo” bao gồm các lĩnh vực: Công nghệ số, Khoa học công nghệ, y dược, môi trường, giáo dục và đào tạo; khuyến học-tự học thành tài. Hiện tại công tác chấm và thẩm định giải thưởng đang diễn ra; Lễ vinh danh giải thưởng được tổ chức vào trung tuần tháng 11/2023.

Giải thưởng "Nhân tài đất Việt" trong nhiều năm qua đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhân dân, những người luôn khao khát với sự học, tìm tòi, nghiên cứu, học tập suốt đời trên mọi miền của Tổ quốc. Có thể nói, đây cũng là một thành công của Hội, là thương hiệu của Hội, nhưng không phải chỉ một mình Hội làm được mà Hội đã liên kết, phối hợp với các bộ, ban, ngành để cùng triển khai giải thưởng này, tổ chức hằng năm, chỉ có 2 năm dịch bệnh Covid-19, Hội không tổ chức được.

Để giải thưởng ngày càng uy tín, chất lượng, hằng năm, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức giải thưởng sao cho thật bài bản, chu đáo. Từ khâu họp ra quyết định thành lập Ban Tổ chức, đến ban hành kế hoạch cụ thể cho các bộ, ban ngành tham gia giải thưởng. Điều kiện tham gia giải thưởng và tổ chức giải hết sức chặt chẽ. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chấm giải. Đây là khâu rất quan trọng để khẳng định uy tín của giải. 

Bên cạnh đó, Hội sẽ tập trung đổi mới công tác tuyên truyền để nâng cao vị thế của giải thưởng “Nhân tài Đất Việt”, trong đó có giải “Tự học thành tài” dành riêng cho nông dân. Nội dung tuyên truyền quan trọng nhất là công tác chấm giải diễn ra dân chủ, minh bạch. Kết quả của giải thưởng thu hút được các tài năng Việt, tuyển chọn được những công trình và sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân tham gia giải.


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.