Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng khẳng định, lãnh đạo ngành Giáo dục đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết xử lý đối với tình trạng lạm thu trong trường học.
Tình trạng lạm thu đầu năm học là đề tài nóng được dư luận quan tâm. Để tránh tình trạng thu sai, phí chồng phí, thu không đồng đều trong các cơ sở giáo dục, HĐND TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 02 quy định các khoản thu dịch vụ trong các cơ sở giáo dục, bên cạnh các khoản thu theo quy định, thu hộ, mua hộ, XHH giáo dục.
Tuy nhiên, hiện tượng các nhà trường vẫn ngầm thu các khoản tự nguyện trên tình thần không dân chủ, công khai có thể vẫn xuất hiện, thậm chí “tiền trảm hậu tấu”. Dù công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay “sóng ngầm” trong dư luận phụ huynh, thì tình trạng lạm thu đang làm uy tín của ngành giáo dục giảm sút, suy nghĩ của nhân dân méo mó về hình ảnh nhà giáo.
Theo ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, ngành không mặc định khoản thu nào là khoản thu đầu năm học. Bởi, các khoản thu được quy định theo tháng, theo học kỳ.
Hiện, trong nhà trường, các khoản thu gồm: khoản thu theo quy định (học phí, các khoản thu thực hiện theo Nghị quyết 02 của HĐND thành phố quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD&ĐT đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn); khoản thu hộ, mua hộ (đồng phục, sách giáo khoa, bảo hiểm y tế, bảo hiểm toàn diện...); khoản thu theo thỏa thuận tuân theo các quy định, nguyên tắc cụ thể.
Tại Hải Phòng, khoản thu học phí được thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT” và nghị quyết của HĐND thành phố.
Năm học 2023-2024, tại kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa 16 vừa ban hành Nghị quyết số 04 quy định mức học phí trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn. Tính riêng với cấp THPT, mức thu ở khu vực nội thành là 300.000 đồng/học sinh/tháng, nông thôn là 200.000 đồng/học sinh/tháng, dân tộc thiểu số và miền núi là 100.000 đồng/học sinh/tháng, tăng so với quy định trước đây nhưng vẫn là mức sàn thấp nhất theo Nghị định 81.
Tuy nhiên, tại Hải Phòng, học sinh được hỗ trợ 100% học phí theo Nghị quyết 54 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến THPT, do đó cha mẹ học sinh không phải đóng học phí.
Còn tùy theo từng địa phương, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi khu vực, các nhà trường có thể triển khai các dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD&ĐT. Do vậy, không có danh mục thống nhất các khoản thu trong các nhà trường mà chỉ có quy định khung để trên cơ sở đó, các nhà trường triển khai thực hiện.
Làm đúng, thu đủ, tránh bức xúc
Hiện nay, việc vận động tài trợ là khoản thu gây tâm lý bức xúc từ phía phụ huynh. Nhiều người cho rằng, lợi dụng vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường đứng ra vận động tài trợ, mua sắm cơ sở vật chất vừa chưa đúng quy định, vừa khó quản lý tài chính. Hoặc có trường hợp nhà trường thực hiện vận động tài trợ theo tờ trình đã được lãnh đạo Sở, lãnh đạo phòng duyệt, nhưng lại quy định mức trần tối thiểu khoản đóng góp vi phạm nguyên tắc tự nguyện, gây phản ứng trái chiều trong phụ huynh.
Ông Bùi Văn Kiệm cho rằng, việc vận động và tiếp nhận tài trợ được thực hiện theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc... Nhà trường muốn huy động tài trợ, phải có kế hoạch vận động tài trợ được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt mới được triển khai. Với các trường THPT công lập, Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ; cấp mầm non, tiểu học và THCS thuộc phòng GD&ĐT các quận, huyện chịu trách nhiệm phê duyệt.
Hải Phòng là một trong số ít địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh. |
Thực tế, có quận, huyện rất cẩn trọng khi triển khai thực hiện, sau khi phòng GD&ĐT báo cáo, UBND các quận, huyện giao phòng chức năng liên quan cho ý kiến về kế hoạch vận động tài trợ. Sau khi thẩm định, được sự thống nhất của các cơ quan liên quan và chấp thuận của UBND quận, huyện, phòng GD&ĐT mới phê duyệt...
Giám đốc Sở lưu ý rằng, các bậc cha mẹ cần nắm rõ, đối với các khoản thu về tài trợ và vận động tài trợ, phải tuân thủ nguyên tắc tuyệt đối không được cào bằng, không được đặt ra quy định cụ thể mức đóng góp mà phải tùy khả năng mỗi gia đình; thậm chí do điều kiện kinh tế, cha mẹ học sinh có thể không đóng góp.
Xử lý nghiêm sai phạm
Ông Kiệm cũng cho hay, ngành Giáo dục Hải Phòng đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết đối với tình trạng lạm thu trong trường học. Từ góc độ quản lý của Sở ngay từ tháng 8, Sở ban hành các văn bản trực tiếp đề nghị UBND các quận, huyện cần có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc thu chi trong các trường học thuộc cấp quản lý của địa phương.
“Với cấp học thuộc quản lý của Sở, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện rõ ràng các khoản thu đầu năm. Trong đó tuyệt đối không dồn các khoản thu cùng một thời điểm gây áp lực kinh tế cho gia đình học sinh; không được triển khai các khoản thu vượt quá sức dân chưa cần thiết với nhà trường vì về nguyên tắc, ngân sách nhà nước và tiền học phí đã bảo đảm điều kiện cơ bản và tối thiểu cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Xã hội hóa chỉ làm gia tăng chất lượng giáo dục, do vậy các nhà trường khi triển khai phải bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả; phù hợp điều kiện kinh tế của cha mẹ học sinh, tuyệt đối tránh lợi dụng, lạm dụng, không cào bằng, không ép buộc...”, ông Kiệm bày tỏ.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, việc thu các khoản thu theo thỏa thuận thường gây các ý kiến trái chiều, do vậy các nhà trường cần nêu rõ mục đích, chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi; có dự toán, lập kế hoạch, lấy ý kiến trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại các cuộc họp.
Các cơ sở giáo dục cần thực hiện 3 công khai: công khai cam kết chất lượng giáo dục; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ); công khai thu - chi tài chính. Trong cuộc họp phụ huynh, Hiệu trưởng nhà trường nên là người trực tiếp phổ biến, quán triệt, công khai, giải trình trước các bậc cha mẹ học sinh về các khoản thu của nhà trường.
Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với Sở trong tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện thu, chi trong các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị giáo dục.
Phía các bậc cha mẹ học sinh cần chủ động tìm hiểu, cập nhật các quy định liên quan đến vai trò, trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh; hiểu đúng về xã hội hóa giáo dục trong điều kiện ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, việc huy động nguồn lực của nhân dân, của toàn xã hội để phát triển giáo dục là cần thiết nhằm giúp con mình được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn, ông Bùi Văn Kiệm nhấn mạnh.
Theo Giáo dục thời đại
https://giaoducthoidai.vn/hai-phong-kien-quyet-xu-ly-tinh-trang-lam-thu-trong-truong-hoc-post656069.html