- Dự thảo Luật Tài nguyên nước đã đưa nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra…
Sáng 26/10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Điều 3, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị tập trung vào các nội dung như: thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) |
Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.
Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra tại khoản 1 Điều 3.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hoà phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, được thể hiện tại Điều 35 của dự thảo Luật.
Đồng thời dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước tại khoản 1 Điều 36; trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan và UBND cấp tỉnh trong thực hiện điều tiết nguồn nước, quyết định việc hạn chế phân phối, sử dụng nước; quyết định việc sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn; chỉ đạo huy động nguồn nước trong phạm vi quản lý để chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác tại khoản 2 Điều 36.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc cấp phép như: bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước … tại Điều 55 dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định hoạt động khai thác nước dưới đất quy mô hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai như quy định tại khoản 2 Điều 52 nhằm quản lý chặt chẻ việc khai thác nước dưới đất, bảo vệ nước dưới đất và phòng, chống tác hại do việc khai thác nước dưới đất không kiểm soát gây ra và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 9 Điều 52. Đồng thời, khoản 3 Điều 85 dự thảo Luật cũng quy định thời điểm có hiệu lực của quy định này từ 01/7/2026, tức là 02 năm sau khi Luật có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính khả thi. Chính phủ cũng đồng thuận về quan điểm chính sách với UBTVQH và cũng đã bổ sung báo cáo đánh giá tác động về nội dung này kèm theo Báo cáo số 576/BC-CP.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trên nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thể hiện ở 03 mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta.
Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hóa nội dung kinh tế nước tại Chương VI về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước và quy định một trong những nguyên tắc quản lý tài nguyên nước tại khoản 6 Điều 3 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Điều 70 quy định về dịch vụ về tài nguyên nước, Điều 71 quy định về hạch toán tài nguyên nước và Điều 74 về xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ.
Cùng với đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng để tránh chồng chéo về chức năng và phạm vi quản lý giữa các Bộ có liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý khai thác, sử dụng nước và thể hiện như Điều 79 dự thảo Luật.