Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, hiện thành phố có 1.035 cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 91 cơ sở y tế công lập và 944 cơ sở y tế tư nhân.
Bệnh viện Đa khoa Gia đình (thành phố Đà Nẵng) trang bị các hệ thống thiết bị y tế hiện đại. (Ảnh: TTXVN) |
Với tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng xác định trở thành một trung tâm y tế chất lượng cao.
Thành phố hướng đến xây dựng mạng lưới cơ sở y tế đa dạng về loại hình, tăng tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 30%, phù hợp quy mô dân số, định hướng phát triển y tế chuyên sâu, chất lượng cao, y tế du lịch và từng bước hội nhập khu vực.
Do đó, bên cạnh đầu tư cho hệ thống y tế công lập, thành phố luôn kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư lĩnh vực y tế.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, đến nay, thành phố có 1.035 cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 91 cơ sở y tế công lập (với 23 bệnh viện) và 944 cơ sở tư nhân (6 bệnh viện và các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế).
Sự song hành của y tế công lập và ngoài công lập đã cung cấp số bác sỹ toàn thành phố đạt tỷ lệ 20, 1 bác sỹ/10.000 dân và quy mô 74 giường bệnh/10.000 dân; trong đó tỷ lệ giường bệnh của cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chiếm 11%.
Bệnh viện Đa khoa Gia đình được phát triển từ Trung tâm Bác sỹ Gia đình. Năm 2014, Bệnh viện xây dựng trở thành Bệnh viện Đa khoa với 280 giường bệnh với đầy đủ các chuyên khoa sâu, cùng hệ thống bệnh án điện tử nhằm quản lý hồ sơ suốt đời.
Ông Trần Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia đình, cho biết Bệnh viện luôn đặt tiêu chí xem khách hàng thân thiết như người nhà. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, Bệnh viện đã từng ngày trang bị các thiết bị hiện đại và mở rộng cơ sở.
Đặc biệt, năm 2023, Trung tâm Bác sỹ Gia đình Cẩm Lệ đi vào hoạt động. Trung tâm này được trang bị hệ thống máy móc tiên tiến, hiện đại như máy chụp CT 128, máy chụp cộng hưởng từ 1,5 Tesla, hệ thống xét nghiệm sinh hóa miễn dịch tự động Cobas 600…
Nhận thấy tiềm năng, nhu cầu thực hiện tầm soát đột quỵ, tim mạch, bệnh ung thư, khám sức khỏe tổng quát của người dân, tháng 8/2023, Phòng khám Đa khoa quốc tế S.I.S Đà Nẵng mở chi nhánh tại Đà Nẵng.
Cơ sở y tế này được đầu tư xây dựng với kinh phí 500 tỷ đồng, quy mô 300 giường bệnh, chuyên thực hiện tầm soát đột quỵ, tim mạch, bệnh ung thư và khám chữa bệnh tổng quát. Phòng khám có trang thiết bị hiện đại như máy MRI 3 Tesla, máy CT, hệ thống máy xét nghiệm tự động hóa…
Nêu cao vai trò quan trò quan trọng của cơ sở y tế tư nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống y tế tư nhân đã tham gia tích cực, đồng hành trong các hoạt động phòng, chống dịch.
Đến giai đoạn hậu COVID-19, khi các cơ sở y tế công lập gặp khó khăn trong mua sắm đấu thầu, các cơ sở y tế ngoài công lập đã hỗ trợ cho y tế công lập trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo ông Lê Quang Nam, sự phát triển của các cơ sở y tế tư nhân giúp đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thêm lựa chọn cho người dân trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu; đồng thời bổ sung thêm một lượng đáng kể nhân lực y tế tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh chất lượng dịch vụ lành mạnh với các cơ sở y tế công lập.
Ông Lê Quang Nam nhận định điều kiện cơ sở vật chất hệ thống y tế tư nhân không chỉ đáp ứng được những quy định về cấp phép mà từng bước được đầu tư trang thiết bị hiện đại (như máy CT scan, MRI, máy thở, máy lọc máu, máy siêu âm màu 4D, 5D, máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy nội soi, hệ thống xét nghiệm đã đạt tiêu chuẩn ISO 15189...). Điều này góp phần tích cực bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân./.
Theo TTXVN
https://www.vietnamplus.vn/da-nang-phat-huy-vai-tro-cua-co-so-y-te-tu-nhan-trong-kham-chua-benh/905119.vnp