- Bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ đang theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng có xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh này.
Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho thấy, mẫu bệnh phẩm đối với bệnh nhân nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đang được điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng là âm tính, người này dương tính với bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Thủy cho biết, kết quả này cũng trùng hợp với nhận định ban đầu của các bác sĩ, chuyên gia y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng, nghi ngờ các triệu chứng, yếu tố lâm sàng của bệnh nhân thiên về bệnh tay chân miệng bị bội nhiễm hơn là đậu mùa khỉ.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố cho biết, trước tình hình ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các tỉnh thành, ngành Y tế thành phố đã xây dựng phương án với các tình huống để chủ động ứng phó phòng, chống bệnh này trên địa bàn thành phố.
Các tình huống được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, với mục tiêu phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh, đáp ứng khẩn cấp, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, bùng phát ra cộng đồng.
Cũng theo bác sĩ Thủy, 3 tình huống về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ được ngành Y tế thành phố triển khai gồm: Chưa ghi nhận ca bệnh; xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào thành phố; dịch lây lan trong cộng đồng.
"Nếu trường hợp xuất hiện ca bệnh xâm nhập tại thành phố, ngành Y tế yêu cầu người tiếp xúc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo… Đồng thời, thực hiện cách ly và tự theo dõi sức khỏe. Trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, cán bộ y tế sẽ lập danh sách, hướng dẫn đối tượng tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày. Nếu phát hiện các triệu chứng phát ban và nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi, nổi hạch... cần hạn chế tiếp xúc người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất", bác sĩ Thủy khuyến cáo.
Trước đó, CDC Đà Nẵng có công văn khẩn gửi Bệnh viện Đà Nẵng, trung tâm y tế các quận, huyện thực hiện các biện pháp xử lý với trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.
Theo đó, CDC Đà Nẵng yêu cầu Bệnh viện Đà Nẵng cách ly tạm thời bệnh nhân theo đúng quy định, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm đậu mùa khỉ tại bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2306/QĐ-BYT ngày 26/8/2022.
Đồng thời, yêu cầu bệnh viện lập danh sách tất cả nhân viên, người có tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện để tư vấn, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (nếu có).
Bên cạnh đó, lau chùi, khử trùng các khu vực có liên quan đến bệnh nhân tại bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2306/QĐ-BYT.
Công văn cũng yêu cầu Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu điều tra thêm thông tin bệnh nhân, xác minh những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân để tư vấn, hướng dẫn, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (nếu có).
Đồng thời, cấp phát Chloramin B và hướng dẫn người nhà bệnh nhân vệ sinh, lau chùi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn điều tra, xác minh những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân trên địa bàn để tư vấn, hướng dẫn, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính.