- Trong quá trình thực hiện đổi mới, dù ở bất kỳ thời kỳ nào, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra nhiều giải pháp về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
Đảng xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình, các doanh nghiệp và nhân dân. Quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã có nhiều điểm mới về phòng, chống tham nhũng, nhất là vấn đề động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng. Đồng thời, phải có cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập. Đảng chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức sâu sắc về sự phức tạp và vô cùng khó khăn của công tác phòng, chống tham nhũng nên tại Đại hội XIII, Đảng đã chỉ đạo: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn” .
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trong những năm qua, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không ngừng được hoàn thiện. Đặc biệt, khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp ở Việt Nam, vấn đề phòng, chống tham nhũng được ghi nhận vào Hiến pháp. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có một chế định pháp lý riêng, quy định về các tội phạm tham nhũng. Cùng với những hướng dẫn, chỉ thị của Trung ương, những văn bản quy phạm pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng và góp phần rất lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Đối với Đảng bộ Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology), công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí những năm gần đây có sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động và ngày càng đi vào chiều sâu, đi vào từng nhiệm vụ chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng ủy VNPT Technology luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, chủ động trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Kể từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy Công ty thường xuyên tuyên truyền, quán triệt bằng nhiều hình thức khác nhau và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.
Hội nghị triển khai nghiên cứu học tập, nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại trụ sở Công ty VNPT Technology |
Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng ủy Công ty được thành lập đầu năm 2022 căn cứ Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của BCH Trung ương và chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Đảng ủy và Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng ủy Công ty đã ban hành các Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hơn 2 năm qua như:
- Lĩnh vực quản lý chi phí: chỉ đạo Tổng giám đốc tổ chức xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm để kiểm soát, tối ưu hóa chi phí hoạt động của Công ty. Kế hoạch ngân sách được rà soát và báo cáo kết quả thực hiện hàng quý;
- Lĩnh vực tổ chức, cán bộ: Ban hành Nghị quyết chuyên đề về Kiểm soát quyền lực và quản trị rủi ro trong công tác cán bộ tháng 8/2020. Trên cơ sở đó, Hội đồng quản trị Công ty đã ban hành quy chế quản trị nhân sự quản lý;
- Lĩnh vực mua sắm: Ban hành Quy định mua sắm phục vụ sản xuất kinh doanh và duy trì hoạt động thường xuyên (năm 2021); Ban hành Quy định lựa chọn ngân hàng cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản (năm 2021)
Công tác kê khai và kiểm soát kê khai tài sản: duy trì thực hiện hàng năm với những đối tượng bắt buộc phải kê khai và công khai bản kê khai tài sản theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và thực hiện bổ sung với các nhân sự được bổ nhiệm từ chức danh quản lý cấp trung trở lên.
Bên cạnh đó, trong nhiều buổi sinh hoạt định kỳ, Đảng ủy Công ty cũng đã chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Công ty tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bao gồm:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và Kết luận số 251-KL/ĐUK ngày 3/7/2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, Thông báo kết luận số 12-TB/TW và một số nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
- Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và người lao động, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
- Tích cực, chủ động tham gia ý kiến bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để tham nhũng, tiêu cực; Tích cực, chủ động xây dựng và ban hành các quy định nội bộ và thường xuyên rà soát để khắc phục các tồn tại, bất cập (nếu có).
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại; phát hiện và xử lý nghiêm khuyết điểm, sai phạm.
Hội nghị thường kỳ của BCH Đảng bộ VNPT Technology |
Đi đôi với lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy Công ty cùng với Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chuyên môn nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đặc biệt đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh tiêu cực và với những cá nhân giữ chức vụ quan trọng. Sau nửa nhiệm kỳ công tác, Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công ty đã thực hiện kiểm tra, giám sát 6/7 (tương đương hơn 85%) tổ chức đảng trực thuộc và 5 đảng viên là người đứng đầu các cấp ủy trực thuộc. Lãnh đạo Công ty cũng giao Ban Pháp chế và Kiểm soát nội bộ thực hiện kiểm tra các đơn vị trực thuộc, thông qua đó phát hiện các trường hợp, dấu hiệu vi phạm quy định (nếu có). Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Công ty cũng thực hiện chức năng kiểm tra giám sát của mình đối với các đơn vị thành viên thông qua các cuộc giám sát của Hội đồng quản trị. Đến nay, không phát hiện trường hợp tham nhũng, tiêu cực hay sai phạm về kinh tế nào trong toàn Đảng bộ VNPT Technology và không có đơn, thư tố cáo cán bộ, đảng viên tham nhũng. Mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên trong Đảng bộ VNPT Technology đã nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực với sự ổn định, phát triển của xã hội, của Công ty; nhận thức về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, từ chuyển biến về nhận thức đã tác động đến hành động trong thực tế một cách có ý thức định hướng rõ ràng.
Đánh giá chung về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong Đảng bộ VNPT Technology, tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức vào tháng 6 năm 2023 vừa qua, Đảng ủy Công ty nhận định: Với quyết tâm của Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Công ty, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại VNPT Technology đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ và người lao động Công ty luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước và của Tập đoàn, có lối sống lành mạnh. Sự ổn định chung về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, Đảng ủy VNPT Technology cũng đã thẳng thắn nhận định những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Từ đó, Đảng ủy Công ty xác định cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, không ngừng tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở đến cán bộ, đảng viên về ý thức trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ có nhận thức đúng mới có thể hành động đúng. Muốn biết hành động đúng hay sai phải thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, người đứng đầu, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ; các quy định về kiểm soát quyền lực, ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi, quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.
Thứ ba, tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định nội bộ; xây dưng cơ chế chính sách, rõ ràng minh bạch vừa đảm bảo phù hợp với thực tế vừa kích thích và tính năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xây dựng cơ chế giám sát chú trọng lĩnh vực quản lý tài chính, đầu tư, mua sắm và công tác cán bộ, lao động.
Với sự quyết tâm của các cấp ủy đảng và sự đồng lòng của đảng viên, người lao động, Đảng bộ VNPT Technology phấn đấu giữ vững danh hiệu là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trong Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, góp phần đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng bộ Tập đoàn.
Nhóm tác giả: Dương Bích Diệp, Hoàng Thu Hà