- Với xu thế phát triển của xã hội, là tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin giữ vai trò quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia; Công đoàn VNPT đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số nhằm xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh thu được những kết quả tốt trên các lĩnh vực hoạt động, điều đó đã khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.
Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, ngay sau đó, Công đoàn TT&TT Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 440/CTr-BCH, ngày 30/9/2021 của về Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW. Theo đó, cần quyết liệt, đồng bộ, tạo bước chuyển mạnh trong toàn hệ thống, nỗ lực phần đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng giải pháp chăm lo đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Với mục tiêu xây dựng Công đoàn VNPT vững mạnh toàn diện về cơ cấu tổ chức bộ máy và nguồn lực để thích ứng giải quyết các vấn đề mới đặt ra, góp phần thực hiện chiến lược và các mục tiêu của Tập đoàn, tiếp nối Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoànVNPT ban hành Nghị quyết số 09/NQ-ĐUTĐ, ngày 22/12/2021 về “Nâng cao vị trí, vai trò của Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong tình hình mới”. Làm tốt vai trò cầu nối, giữ liên hệ mật thiết giữa Đảng, chuyên môn với đoàn viên, người lao động. Là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết và phấn đấu giữ vững vai trò là tổ chức đại diện duy nhất của người lao động trong toàn Tập đoàn.
Công đoàn VNPT có quy mô hoạt động trên toàn quốc; có 99 CĐCS trực thuộc, trong đó có 30 CĐCS khối CP, bệnh viện; với 855 CĐCS thành viên, 483 CĐ bộ phận và 3389 tổ CĐ được tổ chức thành 12 Cụm CĐ; quản lý gần 5 vạn đoàn viên người lao động;
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 09, Công đoàn VNPT đã ban hành chương trình hành động với bốn nhiệm vụ
Đầu tiên, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; tham gia công tác đào tạo nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn.
Theo đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn và các cơ chế, quy chế nội bộ của Tập đoàn đặc biệt là Nghị quyết 09 của Đảng ủy Tập đoàn đến cán bộ, đoàn viên, người lao động.
Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong tình hình mới đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động. Triển khai các phương thức hoạt động mới để thu hút, tập hợp đoàn viên, người lao động.
Có biện pháp để thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Quan tâm chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Tăng cường các kênh thông tin hai chiều, đặc biệt là thông tin từ cơ sở. Tuyên truyền, vận động để định hướng giúp đoàn viên, người lao động tự nhận thức được quyền và lợi ích mà tổ chức công đoàn mang lại, từ đó chủ động, tự nguyện tham gia và gắn bó vì sự phát triển của Công đoàn VNPT, của Tập đoàn.
Tiếp tục triển khai thực hiện và xây dựng Văn hóa VNPT phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” song song với việc giữ gìn và phát huy 10 chữ vàng truyền thống.
Phối hợp chặt chẽ với chuyên môn xây dựng kế hoạch, triển khai các khóa đào tạo và đào tạo lại phù hợp với định hướng phát triển và thực tế SXKD, định kỳ tổ chức các cuộc thi trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Nhiệm vụ thứ hai, cần sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng mô hình tổ chức Công đoàn VNPT phù hợp với mô hình tổ chức và sản xuất kinh doanh của Tập đoàn theo Đề án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2021-2025 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Đề xuất bố trí, sắp xếp số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách tại Cơ quan Công đoàn VNPT đảm bảo đủ nguồn lực, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở phù hợp với sự thực tế SXKD của Tập đoàn và chỉ đạo của công đoàn cấp trên. Hàng năm có kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp; ban hành hướng dẫn hoạt động đối với công đoàn bộ phận và tổ công đoàn phù hợp với thực tế; ban hành tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Tham gia vào cấp uỷ Đảng các cấp; xây dựng cơ chế đề bạt, điều động, luân chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cùng cấp; triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ công đoàn theo quy định; đảm bảo cơ cấu nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn các cấp đạt tỷ lệ từ 30% trở lên. Nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển chọn cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở; có cơ chế thu hút và tạo động lực cho cán bộ công đoàn. Đổi mới công tác kết nạp đoàn viên theo hướng linh hoạt, chủ động, thân thiện, đơn giản về thủ tục, ấn tượng về sự quan tâm và chăm lo cho đoàn viên ngay từ đầu.
Nhiệm vụ thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn và nguyện vọng của người lao động. Xây dựng môi trường số trong quản lý và hoạt động công đoàn, hoàn thiện và nâng cao chất lượng app Công đoàn VNPT thành ứng dụng thiết yếu của đoàn viên, người lao động sử dụng thường xuyên để cập nhật thông tin, học tập, giải trí, trao đổi công việc, tương tác trực tiếp với cán bộ công đoàn các cấp, trở thành một sản phẩm trong hệ sinh thái số VNPT. Hoàn thiện, triển khai có hiệu quả các công cụ công nghệ số hỗ trợ công tác quản trị và tổ chức các hoạt động công đoàn.
Căn cứ tình hình thực tiễn hàng năm và giai đoạn xác định nội dung và mục tiêu hoạt động; xác định rõ mục tiêu phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kế hoạch SXKD của chuyên môn là điều kiện tiên quyết để chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người lao động. Phối hợp với chuyên môn xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động; xử lý các khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phối hợp, tham gia đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi, xây dựng hoàn thiện các chính sách về lao động, tiền lương, thưởng, bảo hiểm; đề xuất các chính sách mới nhằm kịp thời chăm lo đời sống cho người lao động, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của đoàn viên; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, tổ đối thoại, lực lượng an toàn vệ sinh viên nhằm giám sát, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; giảm số vụ tai nạn lao động, phấn đấu không để xảy ra tai nạn lao động chết người.
Tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp; nâng cao chất lượng phong trào “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức công đoàn”; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích; quan tâm đến cán bộ công đoàn cơ sở, tập thể và người lao động trực tiếp; chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả. Đưa tiêu chí về chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở là một tiêu chí khi xét khen thưởng toàn diện hàng năm của chuyên môn.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Ban nữ công quần chúng cấp Tập đoàn và tại các đơn vị thành viên làm nòng cốt trong việc triển khai sâu rộng, toàn diện, hiệu quả Nghị quyết chuyên đề số 08-NQCĐ/ĐUTĐ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển phụ nữ VNPT; đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, tổ chức tốt các hoạt động về giới và gia đình. Đổi mới phương thức, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ tổ chức công đoàn. Triển khai có hiệu quả quy định phối hợp hoạt động công tác pháp lý giữa chuyên môn và công đoàn. Bố trí, sắp xếp mỗi công đoàn cơ sở có một cán bộ công đoàn thực hiện nhiệm vụ Tư vấn pháp luật. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động Cụm công đoàn.
Nhiệm vụ thứ tư, tham gia hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội với công đoàn. Tham gia rà soát, đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước có liên quan, các quy định, quy chế, cơ chế về quản lý, sử dụng nguồn tài chính, tài sản công đoàn phù hợp với quy định; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tổ chức công đoàn và người lao động Tập đoàn. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chế độ, pháp luật về lao động, công đoàn. Triển khai các giải pháp xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, ưu tiên cho nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Tiếp cận tăng cường phối hợp, cung cấp trao đổi “thông tin 2 chiều” với chuyên môn và các tổ chức chính trị - xã hội ; tiếp cận các thông tin, tham gia các cuộc hội, họp, các cơ chế, chính sách nội bộ có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, người lao động. Đề xuất với lãnh đạo chuyên môn xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động, hỗ trợ kinh phí, nguồn lực và tạo điều kiện để công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết thực, hiệu quả và tổ chức đối thoại định kỳ, chỉ đạo giải quyết nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Phối hợp với chuyên môn nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách chăm lo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người lao động về điều kiện làm việc, ăn nghỉ, nơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Chủ động phối hợp với chuyên môn và các tổ chức chính trị - xã hội trong Tập đoàn để xây dựng các chương trình phối hợp có tính lâu dài, toàn diện, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn; phối hợp tiến hành giám sát và phản biện theo quy định. Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng Đảng, thực hiện tốt công tác phát triển Đảng viên.
Với các nhiệm vụ cần thực hiện, Công đoàn VNPT nhận thức rất rõ về những lợi ích và sự cần thiết phải chuyển đổi số nhằm chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động kịp thời, nhanh chóng, nâng cao chất lượng hoạt động. Chính vì vậy, Công đoàn VNPT xác định, chuyển đổi số toàn diện hoạt động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Tại Đại hội lần thứ II, Công đoàn VNPT đề ra mục tiêu tổng quát cho cả nhiệm kỳ 2023 - 2028 là “Xây dựng tổ chức Công đoàn VNPT vững mạnh toàn diện; hoạt động trên môi trường số; lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm, văn hoá VNPT làm nền tảng phát triển; vì hạnh phúc người lao động và sự phát triển của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam”.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam; Đảng ủy Tập đoàn và Tổng Giám đốc Tập đoàn, Công đoàn VNPT nhanh chóng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số và lộ trình chuyển đổi số của Công đoàn VNPT, trong đó hướng tới mục tiêu: Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; Số hóa các quy trình, nghiệp vụ của tổ chức công đoàn; Xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số công đoàn.
Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Công đoàn VNPT, theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai; thành lập các tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ và mời chuyên gia xây dựng đầu bài cụ thể về đề án chuyển đổi số Công đoàn VNPT trên cơ sở định hướng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam và yêu cầu thực tiễn của việc chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn. Việc xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp dựa trên thực trạng, yêu cầu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Công đoàn VNPT, sau khi triển khai thực hiện sẽ thay đổi lề lối làm việc, cách thức hoạt động của hệ thống công đoàn các cấp theo phương thức mới dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Sau một thời gian nghiên cứu và xây dựng, Tập đoàn đã phê duyệt triển khai thí điểm đề án chuyển đối số Công đoàn VNPT trong năm 2023 và dự kiến đưa vào triển khai chính thức năm 2024 với các phần mềm hệ thống điều hành công tác công đoàn (iWorkplace); Quản lý đoàn viên công đoàn; Hệ thống báo cáo nghiệp vụ công đoàn; Quản trị, định danh tập trung; Quản lý tài chính công đoàn; Hệ thống truyền thông và tương tác với đoàn viên; Hệ thống điều hành thông minh IOC.
Những hệ thống này góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong quản lý, hoạt động công đoàn các cấp và đạt kết quả trên một số lĩnh vực hoạt động như xây dựng và triển khai bộ tiêu chí đánh giá hoạt động Công đoàn cơ sở vận dụng theo phương pháp thẻ điểm cân bằng BSC/KPI được Tổng Liên đoàn lao động đánh giá cao. Hàng năm, Bộ tiêu chí được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với định hướng hoạt động.
Với phương pháp thẻ điểm cân bằng và ứng dụng số hóa khi đánh giá chất lượng hoạt động đã đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong bình xét thi đua, khen thưởng và đánh giá đúng chất lượng hoạt động công đoàn tại cơ sở, trong 4 năm triển khai đã giúp 100% công đoàn cơ sở định hướng đúng hoạt động; Xây dựng thành công và đưa vào hoạt động App Công đoàn VNPT với số lượt cài đặt app gần 5 vạn lượt và tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến trên App như Tìm kiến Công dân số, Nâng cao trải nghiệm khách hàng, An toàn vệ sinh lao động… dành cho đoàn viên, người lao động; 100% Công đoàn cơ sở thực hiện báo cáo Dự toán/ Quyết toán Tài chính Công đoàn bằng hình thức trực tuyến, rút ngắn thời gian và đảm bảo tính chính xác về số liệu báo cáo tài chính công đoàn; Đổi mới hình thức thức trao kinh phí khen thưởng qua Ví VNPT Money tới từng cá nhân và quét Qrcode để nhận thưởng; Với năng lực của người VNPT - tiên phong trong chuyển đổi số, Cán bộ công đoàn tại VNPT tỉnh/thành phố được tham gia vào Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Liên đoàn lao động địa phương; Chỉ đạo Công đoàn VNPT TP Hồ Chí Minh xây dựng App Đại hội công đoàn và đã được áp dụng tại Đại hội lần thứ II Công đoàn VNPT; được nâng cấp, triển khai tại Đại hội XVI Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Được sự tin tưởng của Tổng Liên đoàn Việt Nam, App đại hội của Công đoàn VNPT sẽ được bổ sung tính năng và triển khai tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Tận dụng lợi thế dữ liệu, các phần mềm trong hệ sinh thái chuyển đổi số Công đoàn VNPT đã kết nối liên thông dữ liệu trong hệ thống Công đoàn và các hệ thống liên quan như hệ thống tính lương VNPT HRM, hệ thống kế toán phục vụ chia sẻ thông tin dữ liệu số, dữ liệu mở, phân tích số liệu đáp ứng hoạt động Công đoàn số giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, đảm bảo chính xác và nhanh chóng. Nhờ thông tin trên cơ sở dữ liệu tập trung, Công đoàn VNPT đã kịp thời thăm và tặng quà cho 2.455 gia đình đoàn viên là thương binh, bệnh binh; thân nhân liệt sỹ nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/7; Trao 856 suất quà trị giá 1 triệu đồng trong chương trình VNPT cùng em tới trường cho các con của người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong độ đuổi từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông.
Có thể thấy, chuyển đổi số công đoàn đã và đang đem lại hiệu quả rất lớn: Đưa công tác chỉ đạo, quản lý điều hành lên môi trường số nhanh chóng và chính xác; cơ sở dữ liệu quản lý đoàn viên tập trung, đồng bộ với hệ thống HRM của Tập đoàn nên việc phân tích dữ liệu và đưa ra các chính sách kịp thời, hiệu quả; giảm thiểu thao tác nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn; Tư vấn, giải đáp kịp thời kiến nghị của ĐV, NLĐ…
Với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, và phương châm lấy đoàn viên người lao động làm trung tâm, văn hoá VNPT làm nền tảng phát triển; vì hạnh phúc người lao động và sự phát triển của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công đoàn VNPT sẽ phải không ngừng nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ Tập đoàn, Chủ tịch Công đoàn VNPT