- Liên quan đến vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần làm rõ nguyên nhân trách nhiệm ban hành giá FiT (giá cố định, giá ưu đãi năng lượng tái tạo - PV) có đúng nguyên tắc và tiêu chí hay không, có công bằng giữa các doanh nghiệp hay không?
Sáng 12/10, phát biểu tại phiên giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn giám sát đã đưa ra nhận định, việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều bất cập, nhất là trong việc tổ chức quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong thời gian ngắn vừa qua, Bộ Công thương ban hành giá fit có thời hạn, xuất hiện nhiều phong trào đầu tư rất ồ ạt điện mặt trời, điện gió. Vừa qua, nhiều dự án dã hoàn thành và đưa vào hoạt động, có dự án được hưởng giá fit, có dự án không, hoặc có dự án được hưởng một phần giá fit…
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần làm rõ nguyên nhân trách nhiệm ban hành giá fit có đúng nguyên tắc và tiêu chí hay không, có công bằng giữa các doanh nghiệp hay không? Đồng thời cho rằng, vấn dề này có thể đánh giá là gây thất thoát lãng phí của xã hội.
Trong một số cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, các đại biểu, cử tri ngành than quan tâm đến lộ trình quy hoạch điện VIII. Việt Nam đã cam kết với COP26 đến năm 2050 thực hiện phát thải ròng bằng 0, đối với ngành than ở Quảng Ninh hiện vẫn duy trì khoảng 40 triệu tấn/năm, năm 2040 giảm dần và đến năm 2050 không dùng than nữa.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, câu chuyện bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia phải cung cấp đủ than cho các nhà máy điện và các ngành sản xuất khác nhưng đến hơn 10 năm, phải dừng việc này lại, do đó công nhân ngành than bày tỏ lo lắng vấn đề này và băn khoăn cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh ra sao, thời gian tới định hướng như thế nào trong bối cảnh địa phương này có tới 5-6 nhà máy than đang hoạt động.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thì đề nghị làm rõ hơn việc đảm bảo công bằng, hiệu quả trong chuyển đổi việc làm, tạo ra những việc làm bền vững cho người lao động trong nhiều ngành nghề. Báo cáo giám sát cần có giải pháp, kiến nghị cụ thể đối với vấn đề này.
Bên cạnh đó, về việc đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho các công trình thủy điện, dự án năng lượng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, báo cáo đã nêu rõ thực trạng, những khó khăn, bất cập, tuy nhiên, cần bổ sung các giải pháp căn cơ, cụ thể để đền bù một cách thỏa đáng đối với những người dân, đồng bào trong diện phải tái định cư, đảm bảo những đối tượng này tiếp cận được với năng lượng cho nhu cầu sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhất trí với nhiều nội dung của báo cáo của Đoàn giám sát, ghi nhận hồ sơ kết quả giám sát được chuẩn bị đầy đặn có ý nghĩa nghiên cứu khoa học.
Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, cần đánh giá việc khắc phục những vấn đề về thủy điện theo Nghị quyết 134 để từ đó đề xuất các biện pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề thủy điện, những vấn đề vướng mắc của các nhiệm kỳ trước cho đến nay thủy điện đã làm được gì.
Nhấn mạnh đây là vấn đề người dân rất quan tâm nhất là trước tình hình sụt lún, động đất do ảnh hưởng của thủy điện, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề nội dung này được đánh giá như thế nào, việc khắc phục những vấn đề của thủy điện đã bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết 134 và đề xuất biện pháp trọng tâm thời gian tới. Bên cạnh đó còn có vấn đề về quy hoạch phát triển đồng bộ thủy điện, nhiệt điện…là những vấn đề rất khó.
Đồng thời, cần phải có những đánh giá về những ách tắc, vướng mắc trong điều hành giá điện, giá than, giá khí và xăng dầu vừa qua, nguyên nhân và trách nhiệm. Đánh giá kỹ hơn thực trạng thực hiện Quy hoạch điện 7, điều chỉnh những vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện khi để xảy ra tình trạng điện thừa nhưng không hòa được lưới điện quốc gia…
“Đây là những vấn đề cần phải chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan địa phương, các chủ quản lý để đề xuất biện pháp trong thời gian tới, đưa ra các đề nghị với Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị xác định các giải pháp trọng tâm về kịch bản để bảo đảm an toàn, năng lượng; giải pháp trọng tâm vấn đề quy hoạch tổng thể với quy hoạch phân ngành, xử lý bất cập của các quy hoạch ngành gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp khi không phù hợp giữa công suất và truyền tải điện; giải pháp trọng tâm về hạ tầng năng lượng, về khoa học kỹ thuật, công nghệ năng lượng và thị trường năng lượng.
FiT là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện. Giá bán điện năng FiT còn có những tên gọi khác như: “Giá điện năng lượng tái tọa tiên tiến” hoặc “Giá ưu đãi năng lượng tái tạo". Cơ chế giá FiT là công cụ thúc đẩy tốt cho thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển tại Việt Nam những năm trước đây. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường năng lượng đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý, bảo đảm sự tăng độ minh bạch, tăng tính cạnh tranh. |