- Ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Trước thông tin về việc thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết hiện nay thuốc điều trị bệnh tay chân miệng không thiếu.
Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu về Việt Nam với số lượng 8.258 lọ thuốc và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến, cuối tháng 11, khoảng 2.000 lọ thuốc sẽ tiếp tục được nhập khẩu về Việt Nam.
Theo ông Dũng, dự kiến trong những tháng cuối năm 2023, các thuốc immunoglobulin đã được cấp giấy đăng ký lưu hành sẽ được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam.
Đối với thuốc chứa hoạt chất phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng, hiện nay có một thuốc do cơ sở trong nước sản xuất đã được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cơ sở đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất thuốc trong thời gian tới để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 21.000 lọ thuốc tiêm chứa hoạt chất phenobarbital chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay, 21.000 lọ thuốc tiêm phenobarbital đã được nhập khẩu về Việt Nam và cung ứng cho các cơ sở có nhu cầu.
Cũng theo ông Lê Việt Dũng, hiện Cục Quản lý Dược vẫn tiếp tục nhận được đề nghị của một số cơ sở khám chữa bệnh về việc nhập khẩu thuốc barbit injection 1ml (dung dịch tiêm chứa phenobarbital) đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện.
Ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược. (Ảnh: TTXVN) |
Cục Quản lý Dược đã có văn bản hướng dẫn cơ sở nhập khẩu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị nhập khẩu theo quy định.
Theo ông Lê Việt Dũng, thực tế cho thấy nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng vẫn còn những đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71; trong đó Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71 gia tăng. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong. Chính vì vậy đã dẫn đến các ca mắc bệnh diễn biến nặng nhiều hơn so với những năm trước đây.
Để phòng chống bệnh tay chân miệng, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là việc vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em); cách ly, điều trị kịp thời khi trẻ mắc bệnh; vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, nơi sinh hoạt và cẩn thận thu gom và xử lý chất thải của trẻ…