Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành

0
0

 - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công đồng loạt 3 gói thầu tại sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, trị giá hơn 53.000 tỷ đồng.

Chiều 31/8, tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, dự lễ khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng với tổng mức đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị chức năng phấn đấu vượt tiến độ 3 hạng mục quan trọng nhất của các dự án sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất

Dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt

Theo và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm và dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn thành quy hoạch cảng với công suất 50 triệu hành khách/năm là 2 dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không nói riêng, sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Việt Nam nói chung.

Hai cảng hàng không tạo thành một cụm cảng hùng mạnh, hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện là một trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam, đang khai thác 1 nhà ga hành khách quốc tế và 1 nhà ga hành khách quốc nội. Tuy nhiên, riêng sản lượng hành khách quốc nội qua nhà ga T1 hiện hữu đã đạt 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế, dự kiến sang năm 2024 sẽ quá tải gấp hơn 2 lần. Mặt khác, nhiều hạng mục đầu tư của sân bay qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, lạc hậu, quá tải, ùn ứ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ, giảm tính cạnh tranh của địa phương và quốc gia.

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất gồm 3 hạng mục chính là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.

Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga T3 là hạng mục quan trọng nhất, có tổng mức đầu tư gần 9.300 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng (600 ngày) và sẽ hoàn thành đưa vào vận hành thử vào đầu quý II/2025.

Sau khi hoàn thành, nhà ga hành khách T3 là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tầu bay (Code C và Code E).

Trong khi đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới, là dự án quan trọng quốc gia, thể hiện quyết tâm rất lớn, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam. Giai đoạn 1 dự án đầu tư với quy mô 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm. Đây không chỉ là sân bay lớn nhất Việt Nam, mà hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực, được kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế, không chỉ "chắp cánh" cho sự phát triển của ngành hàng không, mà còn đem lại những lợi ích tích cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng và của cả quốc gia.

Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách Long Thành có giá trị lên đến hơn 35.000 tỷ đồng, thời gian thi công 39 tháng. Đây cũng là hạng mục quan trọng nhất của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Còn gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có giá trị hơn 7.300 tỷ đồng, với thời gian thi công khoảng 23 tháng (700 ngày) - là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của công trình sân bay Long Thành đến thời điểm hiện nay.

Đây là 2 gói thầu quan trọng của dự án, liên quan trực tiếp tới hoạt động bay an toàn, hiệu quả nên yếu tố chính xác về mặt kỹ thuật được đặt lên hàng đầu. Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân nhất hiện nay cũng được áp dụng vào dự án để xây dựng sân bay Long Thành hiện đại, thông minh, sánh ngang với các sân bay cùng quy mô trên thế giới.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV Lại Xuân Thanh, để các gói thầu hội tụ đầy đủ các điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật, trước hết là nhờ sự khuyến khích, động viên, sự chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt, liên tục của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương.

Ông Lại Xuân Thanh nhắc lại việc Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TPHCM, nhiều đồng chí bộ trưởng đã thị sát, tổ chức họp trực tiếp tại công trường, quyết định những vấn đề mang tính chiến lược, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án, kể cả những vướng mắc cụ thể như phá ụ, giao đất.

Các đồng chí lãnh đạo cũng trực tiếp quan tâm, đôn đốc, nhắc nhở về việc nâng cao điều kiện làm việc, ăn ở của đội ngũ anh chị em công trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của lãnh đạo ACV đối với nhiệm vụ. Lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thường xuyên trực tiếp giao ban tại công trường. 

 

6 yêu cầu quan trọng với các gói thầu

Phát biểu tuyên bố khởi công 3 gói thầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của 2 dự án tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có ý nghĩa quan trọng với việc kết nối trong nước và quốc tế, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ.

Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.

Là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao, phức tạp và hội nhập quốc tế sâu rộng. Phát triển kết cấu hạ tầng vận tải hàng không nhằm tăng cường, mở rộng các phương thức vận tải để chia sẻ, kết nối liên thông trong nước và ngoài nước, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (cả vùng trời, vùng biển và đất liền).

Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng hàng không đòi hỏi đầu tư đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới, trong đó các cảng hàng không đóng vai trò đầu mối. Trong những năm qua, hạ tầng hàng không ở nước ta được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới với nhiều nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế; nhiều sân bay đã trở nên quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất.

Phân tích về xu thế hội nhập và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, dẫn tới nhu cầu phát triển hàng không, Thủ tướng cho rằng hàng không là loại hình vận tải có tốc độ vận chuyển nhanh nhất với nhiều ưu thế.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với "hệ sinh thái kinh tế hàng không", tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ACV và các bộ, ngành có liên quan đã chủ động, tích cực phối hợp cùng tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục về đấu thầu, đất đai, đầu tư, vốn và đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công 3 gói thầu, với sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân.

Lễ khởi công 3 hạng mục quan trọng nhất của 2 dự án cảng hàng không là sự kiện quan trọng, là dấu ấn trong sự nghiệp phát triển ngành hàng không, là "món quà" ý nghĩa nhân dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây cũng là kết quả minh chứng cụ thể, rõ nét nhất cho sự nỗ lực hết mình của chủ đầu tư, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua.

Là các dự án rất lớn, kỹ thuật phức tạp, lễ khởi công 3 gói thầu chỉ mới là bước đầu, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành Trung ương, UBND TPHCM, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, thúc đẩy tiến độ công trình với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả của dự án như đã được thẩm định và phê duyệt.

Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM, UBND tỉnh Đồng Nai, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức triển khai dự án bảo đảm chất lượng, an toàn, phấn đấu vượt tiến độ, sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng, không đội vốn bất hợp lý, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

ACV chủ động phối hợp với UBND TPHCM, UBND tỉnh Đồng Nai, các bộ, ngành, cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; tích cực kiểm tra, giám sát quá trình thi công bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, kỹ-mỹ thuật, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Quan tâm tới đời sống cán bộ, công nhân, người lao động tham gia xây dựng các dự án.

Các nhà thầu thi công trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xây dựng, huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ; nghiêm cấm việc sử dụng nguyên vật liệu không đủ tiêu chuẩn, chất lượng, hoặc thi công không đủ nguyên vật liệu theo yêu cầu… Chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm nếu các nhà thầu thi công có sai phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Các nhà thầu thi công, giám sát đã nói phải làm, đã cam kết rồi thì phải thực hiện, làm phải có hiệu quả lượng hóa được bằng sản phẩm cụ thể, đúng chất lượng, đúng quy định, đúng tiến độ, không lãng phí, tiêu cực; quá trình thi công phải khoa học, an toàn.

Thủ tướng đề nghị bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch. 

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các ban chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan với trách nhiệm và quyền hạn sẽ hết sức ủng hộ, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc để chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành 2 dự án có ý nghĩa rất quan trọng này.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 yêu cầu các chủ thể tham gia triển khai dự án phải nghiêm túc quán triệt là: Thứ nhất, bảo đảm tiến độ và phấn đấu vượt tiến độ; thứ hai, phải nâng cao chất lượng; thứ ba, không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; thứ tư, phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; thứ năm, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; thứ sáu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, nâng cao phẩm chất và trình độ, nâng lực của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nói chung.

Thủ tướng chúc các dự án về đích đúng tiến độ, chất lượng, đạt được các mục tiêu đề ra, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước.

P.Mai


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.