Cùng với việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Tây Ninh cũng đã có kế hoạch đầu tư hơn 300 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Phước (trái) trình bày những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác giáo và dục đào tạo trong thời gian tới. Ảnh: Minh Phú - TTXVN |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp nghề vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp đạt thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục còn khiêm tốn.
Ông Bùi Tuấn Hải, Phó Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Tây Ninh cho biết, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tư vấn nghề và hướng nghiệp cho học sinh ít được quan tâm, do đó hiệu quả việc chọn ngành nghề chưa cao. Cha mẹ học sinh vẫn chưa quan tâm đến việc học nghề, chỉ muốn con mình tiếp tục học văn hóa, sau đó tìm trường vào học đại học. Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ công tác giáo dục hướng nghiệp, nhất là ở vùng khó khăn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực đào tạo của các trường nghề trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu học tập theo định hướng. Thiếu giáo viên mầm non, nên tỷ lệ huy động trẻ vẫn còn thấp...
Ngành Giáo dục của tỉnh đã nghiêm túc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình. Ngành đã thực hiện đổi mới hình thức tổ chức dạy học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào dạy học và quản lý; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; chấn chỉnh bạo lực học đường; thực hiện hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cấp học và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo đúng quy định.
Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho rằng, ngành Giáo dục tỉnh đã đạt được nhiều bước tiến. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là sau COVID-19, ngành còn nhiều vấn đề hạn chế như: Chất lượng dạy và học hiện nay còn bất cập. Vấn đề thiếu giáo viên còn chưa được giải quyết, chế độ chính sách cho giáo viên còn bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế thực hiện xã hội hóa giáo dục còn nhiều vấn đề tồn tại. Công tác quản lý giáo dục, thanh tra, kiểm tra, giám sát, tài chính… còn nhiều vi phạm, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh Bùi Tuấn Hải cho biết, trong năm học 2023 - 2024, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới; tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đồng thời, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Ngành đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Để giải quyết căn cơ những tồn tại, hạn chế nhằm phát triển giáo dục trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết, ngành Giáo dục cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục triển khai những giải pháp để có lộ trình nâng cao chất lượng dạy và học. Ngành tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên năm 2018, tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, ngành cần tập trung giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở hầu hết các cấp học.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu ngành cần đưa ra các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tập trung thu hút các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục; thường xuyên duy tu sửa chữa các trường bị xuống cấp, đảm bảo cơ sở vật chất; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính. Ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm và thực hiện tốt phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo trong công tác dạy và học; gắn giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp sử dụng lao động, để đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm ổn định.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có kế hoạch đầu tư trên 300 tỷ đồng (trong năm học 2024 - 2025) để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục.
Theo VTV
https://vtv.vn/giao-duc/tay-ninh-tap-trung-giai-quyet-tinh-trang-thieu-giao-vien-o-cac-cap-hoc-20230921102424723.htm