Theo Sở GD&ĐT TPHCM, việc kiểm tra bất ngờ, bất chợt, hình thức không phù hợp sẽ gây tình trạng căng thẳng, áp lực với học sinh.
Ngày 15/9, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, ngay từ đầu năm học Sở đã yêu cầu các tổ bộ môn phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh với thời gian, hình thức, nội dung đáp ứng các yêu cầu cần đạt cụ thể theo chương trình.
Trong đó, trường học được khuyến khích đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá, có phổ biến kế hoạch đầy đủ, rõ ràng đến học sinh.
“Bài kiểm tra chỉ là một trong các hình thức của đánh giá thường xuyên. Giáo viên hoàn toàn có thể đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua sản phẩm học tập như nhật kí đọc sách, sản phẩm của một dự án khoa học, bài thuyết trình...”, ông Quốc nhấn mạnh.
Hiện nay, trong quá trình thực hiện, vẫn còn tình trạng thầy, cô có thói quen gọi học sinh trả bài, dò bài cũ bất chợt xuất phát từ tâm lý dạy học nặng về truyền thụ kiến thức.
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM) trong ngày tựu trường. |
Như vậy, việc kiểm tra bất ngờ, bất chợt, hình thức không phù hợp, mục đích không rõ ràng, nội dung nặng về nhớ kiến thức một cách máy móc sẽ gây tình trạng căng thẳng, áp lực với học sinh, không đúng với tinh thần chỉ đạo chung của thành phố.
Cũng theo ông Quốc, theo tinh thần của Chương trình GDPT 2018 và Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT, trường học đánh giá học sinh qua đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Trong đó, có môn đánh giá bằng nhận xét, có môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.
Về hình thức, Thông tư 22 quy định rõ việc đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua hỏi đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết: “Mục đích của đánh giá thường xuyên là nắm kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.
Kết quả đánh giá nhằm cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh và xác nhận kết quả đạt được của học sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện và học tập”.
Ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, thời gian tới Sở GD&ĐT TPHCM tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện của các trường về kiểm tra, đánh giá học sinh thông qua nhiều kênh khác nhau như văn bản chỉ đạo, tập huấn chuyên môn, phản ánh của báo chí truyền thông,...
Theo Giáo dục & Thời đại
https://giaoducthoidai.vn/so-gddt-tphcm-yeu-cau-giao-vien-khong-kiem-tra-bat-chot-dau-gio-post654262.html