- Những biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) như mất tập trung, vận động quá mức, nói nhiều,... thường làm cho người lớn dễ lầm tưởng trẻ là đứa trẻ hư, cần trừng phạt, ... Cần có những nhận biết sớm để có hướng điều trị phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống, học tập và tương lai của trẻ.
Theo BSCKII. Cao Thị Ánh Tuyết, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit Hyperactivity Disorder - ADHD) là một rối loạn phát triển ở trẻ em, đặc trưng bởi sự phát triển không phù hợp ở ba lĩnh vực: giảm chú ý, tăng hoạt động và xung động.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,24% – 7,7%. Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thay đổi tùy theo các nghiên cứu, rối loạn này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng học tập và tương tác xã hội của trẻ, và nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.
Theo bác sĩ Ánh Tuyết, hiện nay có một số nhận định sai lầm về ADHD như: Trẻ ADHD là trẻ hư; Trẻ ADHD đơn giản chỉ là trẻ nghịch nhiều; Trừng phạt là cách giúp trẻ học được một bài học; Trẻ ADHD sẽ không thành công trong học tập và công việc; Thuốc điều trị ADHD gây nghiện và gây phụ thuộc thuốc…
Ảnh minh họa |
Dấu hiệu nhận biết
Theo bác sĩ Tuyết, triệu chứng lâm sàng của ADHD vô cùng đa dạng. Đầu tiên, để đánh giá trẻ có bị giảm chú ý thường có các dấu hiệu sau:
- Khó khăn khởi đầu và duy trì chú ý: Khó kiên trì trong hoạt động, đặc biệt nếu không hứng thú, tẻ nhạt, hoạt động tĩnh hoặc bị bắt buộc làm; Không làm trọn vẹn bài tập, công việc nhà hoặc nhiệm vụ được giao; Né tránh, hoặc không thích những nhiệm vụ đòi hỏi sự duy trì chú ý, VD: Nhiệm vụ đòi hỏi tính kiên nhẫn hoặc nỗ lực tư duy, Nhiệm vụ có tính thử thách hoặc các kỹ năng tổ chức
- Dễ bị xao nhãng:
Xao nhãng giác quan: không thể lọc ra khỏi những kích thích nào không quan trọng hoặc ở bên ngoài
Xao nhãng vận động: không thể kiềm chế phản ứng với kích thích, hoặc không thể kiểm soát việc phân chia sự chú ý
- Khó khăn trong tổ chức và ưu tiên: Làm mất, thất lạc những đồ dùng cần thiết, bài về nhà, sách bút… Khó sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những hoạt động theo tầm quan trọng hoặc các mục tiêu.
Dấu hiệu để nhận biết sự tăng động, theo bác sĩ Ánh Tuyết gồm:
- Hoạt động vận động quá mức: Liên tục di chuyển; Luôn cựa quậy, bồn chồn; Khó ngồi yên một chỗ. Cảm giác chủ quan về việc bồn chồn, đứng ngồi không yên: thường gặp nhiều hơn ở nữ, thanh thiếu niên và người lớn.
- Nói quá mức: Nói nhiều, nói liên tục, dài dòng, lan man; Thường nói to, ít thay đổi ngữ điệu phù hợp; Nói buột miệng các câu trả lời, ngắt lời người khác.
- Kém kiểm soát vận động: Khó khăn tham gia vào hoạt động tĩnh, thường cẩu thả, lộn xộn; Kém việc lập ranh giới tiếp xúc cơ thể, gây ra những đụng chạm không phù hợp, hành vi xâm phạm; Thô bạo, vụng về (liên quan tới kém điều chỉnh cử động): làm hỏng đồ chơi, làm đau người khác không cố ý…
Nguyên nhân sinh bệnh
Bác sĩ Tuyết cho biết, có nhiều nguyên nhân sinh bệnh. Trong đó, yếu tố gene và di truyền thì đối với trẻ mắc ADHD, anh chị em của trẻ đó có nguy cơ mắc là 32%; Cha/mẹ mắc ADHD, nguy cơ con: 57%; Sinh đôi đồng hợp tử, nguy cơ: 81%. Các yếu tố khác bao gồm: cân nặng sau sinh thấp; mẹ mang thai uống rượu, hút thuốc; suy dinh dưỡng, nhiễm độc; nhiễm chì; Tổn thương hệ thần kinh trung ương: nhiễm khuẩn, chấn thương, tổn thương não trong khi sinh, tổn thương do giảm Oxy não, động kinh. Giải phẫu thần kinh: Giảm thể tích thể vân (nơi tập trung nhiều receptor dopamine); giảm hoạt động chuyển hóa, lưu lượng máu não tới vỏ não trán trước…Các chất dẫn truyền thần kinh như sử dụng: dopamine, noradrenalin…
TS.BS Đinh Thạc – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, việc điều trị trẻ ADHD là một quá trình lâu dài và liên tục khiến gia đình và trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, gia đình cần có sự kiên trì cũng như sự hỗ trợ từ nhà trường và nhà chuyên môn. Chiến lược can thiệp và trị liệu sớm trẻ ADHD sẽ giúp trẻ có cơ hội cải thiện những bất lợi của rối loạn ADHD trong sinh hoạt, học tập lẫn vui chơi giúp trẻ nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, việc chọn lựa những phương pháp trị liệu thích hợp để gia đình khắc phục khó khăn hiện tại nhằm giúp trẻ đạt hiệu quả và an toàn khi trị liệu (đa trị liệu). Qua đó, phát huy lợi thế và tính ưu việt trong phương pháp dược trị liệu ở lứa tuổi học đường giúp trẻ ADHD sớm trở về quỹ đạo phát triển của một đứa trẻ bình thường, giúp trẻ có điều kiện học tốt hơn để phát triển khả năng hoà nhập cuộc sống và thành công trong tương lai.