- Mặc dù nhiễm giun sán ở trẻ em là căn bệnh phổ biến nhưng nó không chỉ mang lại sự khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý cũng như sức khỏe của bé. Vì thế các bố mẹ và người thân cần chú ý quan sát để phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị bệnh hợp lý.
Những nguyên nhân gây nhiễm giun sán ở trẻ em
Ai cũng có thể mắc bệnh giun sán, đặc biệt là trẻ em. Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ, uống nước chưa được đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, nguồn nước không hợp vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và cả nguồn không khí bị ô nhiễm, trẻ có thể bị nhiễm giun khi đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn, không rửa tay sau khi đi đại tiện.
Tác hại khi bị nhiễm giun
Hiện có trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người. Tỷ lệ nhiễm giun sán cũng rất cao, nhiều trường hợp gây biến chứng nguy hiểm như: Thiếu máu nặng do giun móc, giun chui ống mật, tắc ruột do giun, viêm tắc đường mật do sán lá gan nhỏ, ho ra máu do sán lá phổi, áp xe gan do sán lá gan lớn, viêm não, màng não có bạch cầu ái toàn tăng do giun tròn.
- Khi trẻ bị nhiễm giun sán, thường gầy gò, ốm yếu, xanh xao, bụng to bè, chậm lớn, biếng ăn và dễ nôn mửa. Ngoài ra, trẻ thường xuyên có biểu hiện đau bụng quanh rốn, bị rối loạn tiêu hóa và đi phân lỏng. Khi ngủ bé thường trằn trọc,gãi hậu môn do ngứa trong lúc ngủ.
- Bệnh giun sán ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sức khoẻ của trẻ do giun sán có thể tiết ra các loại độc tố hoặc thải ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho cơ thể trẻ.
- Các loại giun tóc, giun móc bám vào niêm mạc ruột gây viêm loét ruột, thậm chí gây chảy máu khiến nhiều bé trở nên thiếu máu có khi phải truyền máu.
- Giun đũa có thể gây tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy gây ra các triệu chứng đau bụng dai dẳng hoặc kịch phát, ói mửa, vàng da, viêm gan…
- Với nang ấu trùng sán dây lợn khi ký sinh ở não có thể gây động kinh, làm đột tử, nếu ký sinh ở mắt có thể gây mù lòa
- Giun chỉ bạch huyết gây phù voi da, tắc mạch bạch huyết và việc điều trị rất khó khăn. Đối với Sán lá phổi sẽ làm vỡ thành mạch máu phổi gây ho ra máu.
- Giun sán có thể gây dị ứngcho vật chủ: giun đũa, giun tóc, đặc biệt giun xoắn gây dị ứng nặng, sốt cao,phù nề, tăng bạch cầu eosinophile. Các loại giun móc, tóc có thể luồn qua da gây viêm da.
Cách phòng tránh nhiễm giun sán cho trẻ
- Đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho trẻ: uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín, các loại trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa.
- Giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ.
- Không cho trẻ ăn sống (các món trần, nhúng) mà phải cho trẻ ăn chín, uống sôi.
- Thường xuyên cắt móng tay, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần bé đi đại tiện, không cho bé đi đại tiện bừa bãi. Nhắc nhở con có ý thức rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Ở nông thôn, cần bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước, không để bé bò lê la, nghịch đất cát.
- Định kỳ 6 tháng cho bé uống thuốc tẩy giun một lần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.
- Nhắc nhở con có ý thức rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh