Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023

0
0

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ Kỳ thi năm 2024. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị

Dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; đại diện một số cục, vụ liên quan của Bộ GDĐT; đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và đại diện 63 sở GDĐT.

Về phương hướng, nhiệm vụ Kỳ thi năm 2024, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho hay: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn giữ ổn định trong năm 2024. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2024 cũng sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để chuẩn bị cho công tác tổ chức thi từ năm 2025. Theo đó, Bộ GDĐT đang phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ để hoàn thiện phương án vận chuyển đề thi qua hệ thống cơ yếu.

Từ năm 2025, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GDĐT xác định với mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Dự kiến từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn. Nội dung thi sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Về phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện, giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Việc phân cấp, phân quyền tổ chức thi từ năm 2025 cũng sẽ được thực hiện rõ nét hơn. Trong đó, Bộ GDĐT chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ GDĐT.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an, đại diện một số Sở GDĐT đã có những trao đổi về kinh nghiệm tổ chức kỳ thi năm 2023, thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức và nêu kiến nghị, đề xuất về giải pháp thực hiện cho Kỳ thi năm 2024.

Từ góc độ chuyên gia, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ liên quan đến phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 như kinh nghiệm quốc tế; phương thức cách thức tổ chức; định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT…

Làm kỹ lưỡng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại diện Bộ Công an, các Sở GDĐT, chuyên gia trao đổi tại Hội nghị; đồng thời gửi lời cảm ơn tới các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức trong việc chủ trì và phối hợp tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

“Có thể đánh giá Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thành công, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy chế, tạo niềm tin, dư luận xã hội tốt”, chia sẻ điều này, Thứ trưởng nhấn mạnh tới một số bài học kinh nghiệm. Trước hết, đó là bài học về công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thông suốt quyết liệt từ Trung ương tới địa phương. Từ hệ thống văn bản chỉ đạo bao quát, tới việc thành lập bộ máy điều hành chỉ đạo, lựa chọn con người, chuẩn bị cơ sở vật chất.

“Phương châm “4 đúng, 3 không” đã được thực hiện tốt, phù hợp, đáp ứng yêu cầu đề ra. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức”, Thứ trưởng nói.

Cũng theo Thứ trưởng, bài học kinh nghiệm còn thể hiện ở sự chủ động của địa phương, đặc biệt là các Sở GDĐT; công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa ban chỉ đạo các cấp; công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi; công tác thanh tra, kiểm tra: công tác thông tin, truyền thông đúng, đủ, kịp thời; công tác chuyên môn với những đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, những điều chỉnh nhỏ mang lại hiệu quả lớn như điều chỉnh về phương pháp, thời gian truy cập kết quả thi…

Kinh nghiệm quý báu từ việc tổ chức các kỳ thi trước cũng được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc tới như là một trong những bài học mang lại thành công cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Thứ trưởng vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức Kỳ thi năm 2023 như vẫn còn trường hợp vi phạm trong công tác coi thi; vẫn còn tình trạng công tác tham mưu, kiểm tra chậm muộn tại một số địa phương; vẫn còn tình trạng chậm muộn trong việc tổ chức đăng ký của thí sinh tự do; một số văn bản từng bước hoàn thiện qua nhiều năm nhưng vẫn cần hoàn thiện để làm tốt hơn; đề thi vẫn cần phải tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa…

Với tinh thần giữ ổn định Kỳ thi năm 2024 như giai đoạn 2020-2023, Thứ trưởng cho biết, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát, xem xét để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế, khắc phục được những khó khăn, hạn chế của kỳ thi các năm trước.

Về phương án thi từ năm 2025, Thứ trưởng lưu ý các địa phương trong việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh để các em không quá lo lắng. Hiện nay, Bộ GDĐT đang tích cực triển khai hoàn thiện phương án, làm kỹ lưỡng với phương châm: gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém, có lộ trình, có đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các tập thể có nhiều đóng góp trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các tập thể có nhiều đóng góp trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Nhấn mạnh quan điểm “nếu dạy tốt, học tốt phương thức nào cũng sẽ sẵn sàng”, Thứ trưởng mong muốn lãnh đạo các Sở GDĐT tiếp tục làm tốt công tác định hướng chuyên môn trong việc dạy và học tới các nhà trường, giáo viên.

Nhân dịp này, một số tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT.


Ý kiến bạn đọc


Dính "bẫy" của kẻ giả danh công an, người phụ nữ Hà Nội mất 1,5 tỷ đồng

(VnMedia) - Mới đây, Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn tiếp tục tăng cao

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (3/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều giảm nhẹ. Trong nước, chiều qua, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục tăng và vượt qua mốc trên 76 triệu đồng/lượng.

Đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc tại Tháng khuyến mại tập trung

(VnMedia) - Thanh toán thẻ không tiếp xúc đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế số, mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi vượt trội, an toàn bảo mật cao và tốc độ giao dịch nhanh chóng.

Chặt đứt đường dây cá độ bóng đá qua mạng với số tiền giao dịch 10 tỷ đồng

(VnMedia) - Công an quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố triệt xóa đường dây cá độ bóng đá qua mạng với số tiền giao dịch khoảng 10 tỷ đồng.

6 giải pháp giúp phục hồi nhanh sau sự cố tấn công mạng

(VnMedia) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp 6 giải pháp trọng tâm để tăng cường hiệu quả đảm bảo an toàn hệ thống thông tin và phục hồi nhanh hoạt động sau sự cố tấn công mạng.