- Ngày 14/9, tại Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2023. Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên và gần 200 nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định tầm quan trọng của Hội thảo, cũng như tính thường niên của Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục, qua đó đổi nhằm thảo luận các chủ đề nghiên cứu khoa học giáo dục, chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phát triển ngành Giáo dục.
Thứ trưởng tin tưởng với khí thế, đội ngũ ngày càng hùng hậu, quan tâm tới nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học giáo dục sẽ ngày càng phát triển, đạt bước tiến mới; qua đó góp phần vào hình thành những chủ trương, đường lối, chính sách về giáo dục, đóng góp vào quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và sự phát triển của đất nước.
Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2023 nhận được 178 bài viết của các nhà khoa học trong cả nước tập trung vào 3 chủ đề chính: Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục mầm non, đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học; Khoa học giáo dục với đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường.
Đồng thời, đề xuất một số định hướng nghiên cứu, phát triển khoa học giáo dục và các giải pháp tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học giáo dục trong giai đoạn tới.
Ở chủ đề khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục mầm non, đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các bài viết tập trung vào phân tích thực trạng nghiên cứu khoa học giáo dục trong bối cảnh mới; vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục; các giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phát triển nghề nghiệp giáo viên phổ thông; vai trò mới của người giáo viên và môi trường, văn hóa giáo dục; ứng dụng công nghệ trong giáo dục; phát triển mô hình giáo dục STEM ở trường phổ thông.
Các bài viết thuộc chủ đề khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học tập trung phân tích tổng quan về chuyển đổi số trong giáo dục đại học ở Việt Nam; chiến lược và giải pháp đổi mới giáo dục đại học (từ phát triển chương trình, đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp, đổi mới đánh giá kết quả học tập của người học); hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, học tập tại doanh nghiệp; môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học; năng lực tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học; quốc tế hóa giáo dục đại học.
Chủ đề khoa học giáo dục với đổi mới quản lý, quản trị nhà trường tập trung vào phân tích thực trạng và giải pháp đổi mới quản lý, quản trị nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số; mô hình trường học vì sự phát triển bền vững, phát triển văn hóa nhà trường; các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi của các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục xung quanh vấn đề khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục phổ thông và khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.