- Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị bỏ khái niệm “nhà lưu trú”, nên sử dụng là “nhà ở xã hội”, nhà ở xã hội dành cho công nhân; và không nên để nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân đặt trong khu công nghiệp...
Quy định về Nhà lưu trú cho công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến.
Theo đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng tính với quy định phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình vì cho rằng, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chủ trương của Đảng về “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp”; đồng thời, giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thì đề nghị làm rõ nhà lưu trú công dân thuộc loại hình nào trong sáu loại hình được quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng đề nghị làm rõ khái niệm “nhà lưu trú công nhân”.
“Nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, và nếu không, thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở.” – Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nêu ý kiến và đề nghị làm rõ thêm lý do tại sao chỉ giới hạn cho công nhân trong khu công nghiệp mà không cho công nhân ở khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, đồng thời công nhân ngoài khu công nghiệp không được thuê nhà lưu trú công nhân, chỉ được thuê, mua nhà ở xã hội, nhưng công nhân trong khu công nghiệp lại có cả hai lựa chọn này.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, cần tách riêng nội dung về xây dựng nhà ở xã hội và nội dung xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thành hai điều riêng bởi hai nội dung này hoàn toàn khác nhau, không nên gộp chung như hiện tại.
Đại biểu cho biết, nhà lưu trú công nhân chỉ bố trí cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp thuê, có nghĩa là khi còn làm việc thì còn được thuê. Trường hợp hai vợ chồng cùng làm việc trong khu công nghiệp thì sẽ có con cái kèm theo, nhưng con cái không làm việc trong khu công nghiệp, thì có được ở nhà lưu trú công nhân hay không? Vì không khẳng định là nhà ở, nên nhà lưu trú công nhân không phục vụ sinh hoạt cho hộ gia đình. Nếu không cho con cái ở cùng thì có đạt được mục tiêu xã hội của chính sách hay không?
Liên quan tới quy định về nhà lưu trú công nhân, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên – Huế) cũng đề nghị cần xác định rõ nội hàm giữa nhà ở của công nhân và nhà lưu trú của công nhân. Bởi Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều sử dụng thuật ngữ nhà ở chứ không phải nhà lưu trú. Đại biểu đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp vì không đảm bảo tính thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư; cần hạn chế đưa vào khu công nghiệp để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp.
Đại biểu cho rằng, cần xác định phải xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp chứ không xác định cụ thể vị trí xây dựng trong hay ngoài khu công nghiệp.
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị bỏ khái niệm “nhà lưu trú”, nên sử dụng là “nhà ở xã hội”, nhà ở xã hội dành cho công nhân; và không nên để nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân đặt trong khu công nghiệp (vì khu công nghiệp chỉ nên tập trung để sản xuất, kinh doanh).
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân |
Cho ý kiến về kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định phải lấy ý kiến của HĐND đối về kế hoạch đối với các dự án có sử dụng ngân sách là không cần thiết. Bởi thực tế, tất cả các dự án trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng đã được trình HĐND thành phố; căn cứ để ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở cũng đã trình HĐND Thành phố về chiến lược.
“Như vậy là cùng một nội dung thì có đến 3 lần trình HĐND về chương trình, về kế hoạch và gồm cả kế hoạch đầu tư công. Điều này gây thêm nhiều các thủ tục với UBND cấp tỉnh.” – Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu rõ và đề nghị không quy định nội dung này. Nếu trường hợp thấy cần phải kiểm soát, giám sát thì đề nghị giao quyền cho Thường trực HĐND.
Liên quan đến quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, về hình thức sử dụng đất, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, việc tháo gỡ cho phép một số loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện về quy hoạch vốn, năng lực kinh nghiệm sẽ thúc đẩy và giải phóng nguồn lực từ đất đai, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, đại biểu đề nghị cần quy định nội dung này tại Luật Đất đai chứ không quy định tại Luật Nhà ở để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan tiếp thu giải trình tiếp tục xem xét quy định cụ thể hướng xử lý trong trường hợp có đất công nằm xen kẹt trong phạm vi ranh giới dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị theo hình thức là nhận chuyển nhượng.