- Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận trường hợp bé trai 4 tuổi tử vong vì mắc bệnh tay chân miệng. Toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 21 ổ dịch tay chân miệng, đặc biệt trong thời điểm trẻ quay trở lại trường học, số lượng trẻ mắc bệnh cũng gia tăng nhanh chóng.
Ngày 8/9, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhi Y.C.M. (nam, 4 tuổi, trú tại xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) nhập viện cấp cứu với chẩn đoán ngưng tuần hoàn hô hấp chưa rõ nguyên nhân/ theo dõi bệnh tay chân miệng độ IV. Mặc dù các bác sĩ đã tích cực thực hiện các biện pháp cấp cứu cho trẻ nhưng bệnh nhi đã tử vong cùng ngày với chẩn đoán ngưng tuần hoàn hô hấp chưa rõ nguyên nhân/ theo dõi bệnh tay chân miệng độ IV.
Trước đó, theo người nhà bệnh nhi, bệnh nhi xuất hiện triệu chứng sốt, kèm theo ho, khó thở, mọc mụn nước đỏ ở lòng bàn tay, ban chân và miệng, ở nhà có dùng thuốc không rõ loại nhưng không đỡ. Đến trưa ngày 8/9, bệnh nhi sốt cao, khó thở nhiều, người nhà đưa trẻ đi khám và nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk với chẩn đoán theo dõi bệnh tay chân miệng độ 2a biến chứng viêm phổi nặng và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Theo đánh giá của TS.BS Trần Thị Thúy Minh - Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện tại số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng gia tăng nhiều, hầu hết các trẻ đều mắc tay chân miệng type Enterovirus 71 (EV71). Đây là type virus có độc tính rất mạnh và có nhiều khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương gây nên các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong ở trẻ. Do đó, khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh không nên chủ quan tự theo dõi tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Ảnh minh họa |
Lưu ý, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Cụ thể, trẻ thường xuyên quấy khóc, ngủ giật mình, sốt cao trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Vì thế, cha mẹ nhớ chú ý để phát hiện triệu chứng này ở trẻ, ngay cả khi trẻ đang chơi và quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Bệnh tay chân miệng gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.
Hiện nay các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh, nhất là thời điểm trong mùa tựu trường nên các gia đình tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Vào năm học mới, trẻ chơi đùa, tiếp xúc với nhau nhiều hơn, tạo điều kiện cho dịch bệnh tay chân miệng lây lan, nguy cơ dịch bùng phát rất cao.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, để bảo vệ trẻ trước dịch tay chân miệng trong mùa tựu trường, phụ huynh và nhà trường cần đảm bảo thực hiện "nguyên tắc 3 sạch". Theo đó, trẻ cần được ăn uống sạch, ở sạch (trẻ được rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống sạch sẽ), chơi sạch (đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh thường xuyên). Yếu tố vệ sinh rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng cũng như nhiều bệnh lây nhiễm khác. Đồng thời, gia đình, nhà trường nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sinh hoạt, học tập và đồ chơi cho trẻ. Đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ ở nhà để tránh tiếp xúc lây lan sang các bạn khác.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các ca bệnh thường gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12, trùng với thời điểm học sinh tựu trường. Vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.