- Vừa qua, đoàn công tác của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có buổi làm việc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) ở Paris.
Tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Giám đốc EFEO Nicholas Fiévé đã điểm lại những kết quả mà EFEO, đặc biệt là văn phòng đại diện EFEO tại Hà Nội, đã hợp tác hiệu quả với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn trong gần 30 năm qua thông qua hàng loạt các dự án nghiên cứu lớn, các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ liên ngành khoa học xã hội và nhân văn. Lãnh đạo ĐHQGHN và EFEO thống nhất tăng cường hợp tác và ký kết văn bản hợp tác toàn diện trong thời gian sớm nhất.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN Hoàng Anh Tuấn đã thông tin về hiện trạng hợp tác của Nhà trường trong buổi làm việc, đồng thời đề xuất các định hướng ưu tiên thúc đẩy các chương trình hợp tác nghiên cứu, xuất bản và đào tạo lĩnh vực cổ học (khảo cổ học, dân tộc học, văn bia, bảo tồn…) vì đây là thế mạnh của EFEO và cũng là định hướng trọng tâm nhất quán của Trường.
Cùng ngày, đoàn công tác của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đến thăm và làm việc tại Dự án Vietnamica - Dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam - một trong những dự án do Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (European Research Council) thuộc Liên minh châu Âu tài trợ, GS. Philippe Papin là Chủ nhiệm dự án; GS.TS. Hoàng Anh Tuấn là thành viên Ban Chủ nhiệm, chuyên trách vấn đề đào tạo và tham gia các hoạt động khoa học - xuất bản.
Tại buổi làm việc, các thành viên đã trao đổi các kết quả chủ yếu trong 3 năm qua. Theo đó, 11 học viên cao học và 8 nghiên cứu sinh đã nhận học bổng hỗ trợ nghiên cứu lên tới hơn 2 tỷ đồng; 18 công trình đã được xuất bản. Hiện tại, 10 tập sách về Việt Nam do các học giả Pháp biên soạn đã được Vietnamica dịch thuật, Trường ĐH KHXH&NV hiệu đính và chịu trách nhiệm xuất bản từ năm 2024.
Tiếp đó, ngày 8/9/2023, lãnh đạo Trường ĐH KHXH&NV đã đến thăm và làm việc tại ĐH Montpellier về kế hoạch hợp tác giữa hai nhà trường trong năm 2024. Hai bên thống nhất 3 nhiệm vụ trọng tâm sau: tiếp nhận sinh viên ngành Đông Nam Á học sang Hà Nội thực tập và học một số tín chỉ; tổ chức hội thảo và xuất bản quốc tế trong khuôn khổ kế hoạch kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; hỗ trợ phát triển đào tạo – thi chứng chỉ tiếng Việt và giảng dạy văn hóa Việt Nam tại Montpellier trong thời gian tới.
Năm 2021, tại cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 18 của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (Agence Universitaire de la Francophonie – AUF) được tổ chức tại Rumani bằng hình thức kết hợp họp trực tiếp và trực tuyến, dưới sự chủ trì của Tổng thống Rumani Klaus Werner Iohannis và Tổng Giám đốc AUF Slim Khalbous, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã ứng cử và được bầu vào Hội đồng Quản trị của AUF. Ông là đại diện của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia vào Hội đồng Quản trị. Việc Giám đốc Lê Quân trở thành thành viên Hội đồng Quản trị AUF sẽ góp phần phát triển quốc tế hóa giáo dục đại học trong khu vực, tại Việt Nam và tại ĐHQGHN, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương và đa phương giữa các đối tác trong khối Pháp ngữ.
Ngày 4/11/2019, tại ĐHQGHN đã diễn ra lễ khởi động Dự án hợp tác Pháp - Việt: VIETNAMICA (Về tên gọi “Vietnamica”, trong tiếng La-tinh cổ, hậu tố -ica có nghĩa là “những điều thuộc về”. Ở đây sử dụng lối chơi chữ qua việc ghép hậu tố này sau từ Việtnam thành “Vietnam-ica” ẩn chứa một thông điệp đặc biệt về tình bạn bè (am-itié), tình hữu nghị.). Dự án được khởi xướng bởi GS. Philippe Papin - Giáo sư chuyên ngành Lịch sử Việt Nam của Khoa Lịch sử và Văn bản học thuộc Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp. Đơn vị chủ quản của Dự án là Viện Khảo cứu Cao cấp Cộng hòa Pháp. Các đơn vị phối hợp cùng tổ chức và thực hiện là ĐHQGHN thông qua Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thông qua Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đơn vị quản lý về mặt tài chính là Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 5 năm, từ 2019 đến 2024 và trên một địa bàn rộng lớn gồm Việt Nam, Pháp và một số quốc gia châu Âu khác.
Vietnamica hướng tới các văn bản gốc, nguồn tư liệu có thể đem lại các kết quả của nghiên cứu có chất lượng nhất, trong đó Bia Hậu là đối tượng được đặc biệt chú ý. Dự án bao gồm cả sự kết hợp nghiên cứu và tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, nhằm duy trì một cách bền vững các hướng nghiên cứu và tạo ảnh hưởng lâu dài. Dự án được triển khai theo cách thức hiện đại, phù hợp với công nghệ số và những xu hướng công nghệ mới cho khoa học xã hội và nhân văn. Và điều đặc biệt, Vietnamica thu hút sự tham gia của nhiều học giả và cơ quan khoa học có uy tín của hai phía Việt Nam và Pháp. Với những khía cạnh đó, Vietnamica sẽ góp phần tạo nên một Big data giá trị về Việt Nam học, đồng thời là cầu nối giúp làm sâu sắc và thắt chặt thêm quan hệ học thuật giữa Việt Nam và Pháp.