- Hiện nay, đã nhiều thuốc mới được phát minh và đăng ký lưu hành tại Việt Nam có tính hiệu quả, an toàn và chi phí phù hợp nhưng chưa được cập nhật vào Danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Toàn cầu có khoảng 7.000 bệnh hiếm. Trên toàn cầu ước tính có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hiếm, chiếm 4% dân số thế giới, 50% là trẻ em. Đây là các bệnh có chi phí điều trị tốn kém, ít các phương pháp điều trị. 92/200 quốc gia có chính sách tăng cường tiếp cận thuốc hiếm, trong đó Châu Âu cao nhất 78%.
Những thông tin trên được các chuyên gia của Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo xin ý kiến nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đối với một số nhóm thuốc đặc thù (thuốc hiếm, thuốc phối hợp…) do Bộ Y tế tổ chức hôm 18/9 ở Hà Nội.
Theo ThS Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), trung bình một năm (giai đoạn 2022-2023) BHYT chi khoảng 105.000-110.000 tỷ mỗi năm, với 150 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT. Trong đó, thuốc chiếm 34% trong cơ cấu chi, sau đó là vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, tiền giường, ngày công…
"Việt Nam được coi là quốc gia có danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT tương đối đầy đủ và rộng so với mức đóng trung bình của người tham gia BHYT. Nếu so với các nước trong khu vực là Thailand, Indonesia, Philippines – quốc gia mà số lượng thuốc có trong Danh mục BHYT chỉ từ 600-700 thuốc, hiện nay Danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam có tổng số 1.037 hoạt chất và dạng phối hợp- trong khi đó mức đóng trung bình 1 thẻ BHYT chỉ là khoảng gần 1 triệu, thấp hơn so với các quốc gia so sánh"- bà Trang nói.
Các chuyên gia cho hay: Thuốc hiếm có tính chất đặc biệt và cho nhóm bệnh nhân đặc biệt nên tiêu chí phê duyệt thuốc hiếm trong chương trình thanh toán của chính phủ hoặc BHYT cũng cần đặc biệt hơn so với thuốc thông thường. |
Hiện nay, đã nhiều thuốc mới được phát minh và đăng ký lưu hành tại Việt Nam có tính hiệu quả, an toàn và chi phí phù hợp nhưng chưa được cập nhật vào Danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Các bệnh hiếm có chi phí điều trị tốn kém, ít phương pháp điều trị, 50% người mắc là trẻ em
Bà Trang thông tin, nhằm rà soát và lựa chọn danh mục thuốc an toàn, hiệu quả và kinh tế, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các tiểu ban tư vấn chuyên môn để rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 20/2022/TT-BYT
Một trong những nội dung quan trọng được nhiều bên quan tâm đó là bộ tiêu chí bổ sung thuốc mới vào danh mục. Thế nhưng việc cập nhật danh mục như thế nào, chi trả như thế nào là một trong những nội dung cần đánh giá để đưa ra nguyên tắc, tiêu chí, đảm bảo khoa học thực tiễn.
"Cái khó của chúng ta khi xây dựng danh mục thuốc và phạm vi chi trả là mức đóng chưa cao nhưng phạm vi chi trả đã có nhiều ưu việt. Người bệnh muốn phạm vi tốt nhất, thầy thuốc, nhân viên y tế cũng luôn muốn quyền lợi tốt nhất cho người bệnh nhưng quỹ chỉ có hạn. Vì thế cần đảm bảo cân đối quỹ, có nguồn lực để chi tối đa quyền lợi cho người bệnh"- bà Trang nói.
Cùng đó, Bộ Y tế cũng xây dựng dự thảo tiêu chí bổ sung thuốc mới vào danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Đây là nội dung quan trọng. Nhiều nội dung cần cân nhắc là căn cứ danh mục nào để phân loại nhóm thuốc giải độc, cấp cứu, thuốc hiếm, căn cứ chỉ định thuốc, có yêu cầu đánh giá chi phí - hiệu quả hay không.
"Việc bổ sung các thuốc mới cần theo hướng khả thi nhất. Vì mới nên chúng ta phải đi từng bước, cái gì chắc chắn khả thi có thể làm từng bước"- Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ hy vọng trước quý 3, Bộ Y tế có thể ban hành được văn bản này.
TS Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết thêm, toàn cầu ước tính có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hiếm, chiếm 4% dân số thế giới. 50% bệnh hiếm là trẻ em. Đây là các bệnh có chi phí điều trị tốn kém, ít các phương pháp điều trị. Nước ta hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật về bệnh hiếm. Theo bà, chúng ta cần xây dựng chính sách thuốc hiếm nhằm tăng tiếp cận thuốc hiếm.
BSCK II Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW cho biết, thuốc hiếm không chỉ là thuốc đắt tiền, mà ngay cả thuốc rẻ tiền cũng hiếm, đặc biệt là những thuốc rẻ tiền, tần suất sử dụng ít như thuốc Nutrofurantoin điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu với những trường hợp đã kháng các loại kháng sinh thế hệ mới, thuốc Minocyclin điều trị viêm phổi bệnh viện hay thuốc tiêm Chloramphenicol dùng trong điều trị bệnh sốt mò.
Lý giải lý do thuốc rẻ tiền cũng là thuốc hiếm, BS Cấp cho rằng đó là những thuốc có tần suất sử dụng ít, thậm chí rất ít và lợi nhuận thấp nên các đơn vị, doanh nghiệp thường không mua bán, sản xuất, dự trữ. Do đó, BS Cấp đề xuất khi xây dựng danh mục thuốc hiếm dự trữ cũng cần cân nhắc cả loại đắt tiền và loại rẻ.